Chợ phiên chỉ họp duy nhất một lần trong tuần, nên đây là một ngày luôn được đồng bào Mông háo hức đón chờ. Đặc biệt, những ngày giáp tết, lễ hội, chợ phiên nhộn nhịp, sôi động hơn. Ở chợ phiên hầu như mặt hàng nào cũng có, nhưng nhiều nhất là các sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán sản xuất của đồng bào như trang phục, giày dép, đến những món ăn đặc trưng thắng cố, xôi nếp cẩm, mèn mén… Tất cả tạo nên không gian văn hóa rất riêng của phiên chợ trên vùng đất Tây Nguyên.
Ngoài việc đưa sản phẩm từ các tỉnh phía Bắc vào, nhiều hộ đã phát triển nghề truyền thống và đã “sống được với nghề”. Theo thống kê, tại chợ phiên ở xã Đắk R’măng có khoảng 10 hộ làm nghề may, thêu trang phục truyền thống để bán.
Chị Vàng Thị Dua, thợ may ở chợ phiên Đắk R’măng chia sẻ: “Một bộ trang phục áo váy dài, may cầu kỳ, nhiều họa tiết, phải mất ít nhất 3 ngày để hoàn thiện, còn những chiếc áo, váy ngắn thì mất 2 ngày. Giá mỗi bộ trang phục dao động từ 800.000 đồng - 2,5 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ khó và các họa tiết đính kèm”.
Trong khi phụ nữ đến chợ phiên để mua sắm áo quần mới, đồ dùng trong nhà thì đàn ông xuống chợ để thưởng thức ly rượu ngô thơm nồng cùng món thắng cố đặc trưng.
Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa, đồng bào người Mông tới chợ phiên còn để được gặp gỡ, giao lưu, chuyện trò cùng bạn bè, thư giãn sau một tuần làm việc vất vả.
Chị Lý Thị Nhung từ Lào Cai vào Đắk Nông lập nghiệp ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) từ những năm 2000, tham gia chợ phiên tại xã Đắk R’măng cho biết: “Nhà tôi cách chợ vài chục cây số, nhưng hầu như tuần nào tôi cũng đi. Một phần vì muốn mua bán, trao đổi các mặt hàng thiết yếu, phần vì thích không khí ở chợ, được gặp gỡ bạn bè thân quen”.
Ngoài việc gìn giữ bản sắc văn hóa chợ phiên, vào những dịp lễ, tết, đồng bào Mông ở huyện Đắk Glong còn tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình như Lễ tung còn ở Đắk R’măng, Hội thi chọi bò ở Quảng Hòa… Tại các lễ hội, ngoài trang phục truyền thống, bà con đồng bào cùng nhau vui chơi, nhảy múa, hòa cùng các loại nhạc cụ truyền thống như khèn Mông, sáo Mèo, kèn lá…
Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, dù còn khó khăn nhưng bà con đồng bào trên địa bàn huyện luôn có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc, nét đẹp văn hóa của mình. Đặc biệt, các phiên chợ trên địa bàn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.
Huyện Đắk Glong đang hướng tới xây dựng chợ phiên Đắk R’măng thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Đắk Nông. Trong đó, huyện đã quy hoạch xây dựng chợ phiên Đắk R’măng, với tổng diện tích 3 ha, thành lập Ban quản lý chợ… Địa phương tiến hành sửa chữa, san lấp mặt bằng tại khu vực chợ để tổ chức các gian hàng, các hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc của đồng bào người Mông.
Tác giả bài viết: http://m.baodaknong.org.vn/van-hoa/net-dep-van-hoa-dan-toc-mong-o-%C3%B0ak-nong-95692.html
Ý kiến bạn đọc