Trở lại với phiên chợ tuổi thơ - đó là một hình ảnh vừa hiện thực vừa hư ảo đầy xao xuyến. Tuổi thơ xưa nếu ở làng quê thì có những phiên chợ ven làng, nơi có những mái tranh thấp lòa xòa như chiếc nón lá tơi tả của người phụ nữ nghèo trước ngọn gió mùa Đông Bắc thổi âm u suốt mùa đông ướt át. Nơi đó, những món hàng “cây nhà lá vườn” được đem bày bán, thực ra là sự trao đổi của những người nghèo khó. Những người bà, người mẹ đi chợ với bước chân rụt rè, gương mặt héo hon trong chiếc khăn nâu thắt mỏ quạ tô điểm cho cái lưng khom thấp, cho đôi tay gần với món hàng mình cần muốn. Khác với bà với mẹ nghèo khó, những đứa trẻ đi bên đều tươi rói, đôi mắt đen láy rực rỡ hy vọng. Được đi chợ với mẹ hay với bà là ước mơ của chúng. Đó là cuộn chỉ màu để đan túi móc giỏ làm gù hoa với em gái; còn với lũ nhóc con trai thì khác, chúng thích những tượng Tôn Ngộ Không của tò he, thích chiếc trống lắc quay rối rít nhưng thực ra chúng luôn thèm liếc rổ bánh rán ngào đường mật, cái bánh dẻo trắng ngần hay có khi được miếng bánh đúc nhạt cũng là điều kỳ diệu.
Xưa, tôi đã ở quê của bà ngoại một thời gian, ít được đi chợ với bà, với dì vì họ dậy sớm gánh hàng đi bán. Nhưng đến nửa buổi, tôi cùng lũ nhóc trong nhà đã chầu chực dưới gốc vối già bên bờ ao để ngóng nghe bước chân thậm thịch của đoàn đi chợ về. Rồi từng đứa ùa ra đón bà, đón dì để được gói xôi, nắm cốm, gói kẹo bột hay cái bánh rán ngọt ngào… Trẻ thơ khi đó được món gì từ bà, từ mẹ cũng thơm lừng cảm xúc sung sướng. Rồi khi lớn lên, mỗi khi quay lại làng, lúc nào người ta cũng đều muốn ghé qua chợ xưa, sẽ thật bồi hồi khi gặp mái tranh cũ, bờ gạch rêu xanh ướt át hoặc thổn thức khi thấy bóng gạo che mái quán của bà hàng nước vối có lọ kẹo lạc, chiếc điếu cày… Đó chính là hình ảnh giản dị của quê hương trong tâm khảm mỗi người.
Ở thành phố, thị xã thời gian chưa xa, những phiên chợ nhỏ “nửa quê nửa tỉnh” theo kiểu tự phát thành nếp cũng là nét văn hóa một thời tồn tại cho đến tận hôm nay, có khi chỉ một đoạn đường nhỏ hai bên với dãy nhà cũ kỹ, nghèo khó luôn ngậm ngùi trong nắng chiều hay bâng khuâng lúc sớm mai. Tất cả làm nên một phiên chợ nhỏ đầy ấm áp cho một quần thể cộng đồng. Nhiều nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ đều tìm đến những góc chợ này để tìm lại quá khứ văn hóa của một miền đất. Còn mỗi người đã từng bước qua đây với đôi chân nhỏ của tuổi thơ thì lại coi đó như tâm hồn của mẹ mình vừa ấm áp vừa thân thương và trìu mến đến miên man như cơn gió heo may thổi mãi trên các triền ngói âm dương trên phố chợ cùng đàn chim sẻ co ro đầy bâng khuâng.
Không ai níu kéo được thời gian bên mình, phiên chợ tuổi thơ càng xa hơn, chỉ một chớp mắt đã tan nhanh. Một phiên chợ để lại những thinh không vắng buốt. Bởi thế lắm khi nghĩ về ký ức tuổi thơ qua hình ảnh mình trong nắng chiều thật buồn nhưng đó là sự ngậm ngùi hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc