Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn khi sở hữu gần 100 triệu dân. Tính chung ba quý đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4.170 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự hồi phục vượt trội hậu đại dịch.
Xanh từ khâu sản xuất
Tại hội thảo "Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp" mới diễn ra, ông Trịnh Quốc Vũ - phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - nhận định chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Có thể thấy, trong nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh - bền vững, nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang nỗ lực để phát triển, đảm bảo yếu tố bền vững trong khâu sản xuất. Chẳng hạn như một công ty sữa lớn hàng đầu Việt Nam đã áp dụng hệ thống xử lý chất thải hiện đại với 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi ra môi trường; hay dưới sự dẫn dắt của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu đạt được chứng chỉ ASC và BAP cho các trang trại mới mở rộng vào năm 2023.
Trong những năm gần đây, nhiều bạn trẻ cũng triển khai các dự án khởi nghiệp xanh. Ban trẻ Trần Phương Thảo (TP.HCM) tìm cách phát triển kinh doanh các sản phẩm túi xanh, khẩu trang, quần áo... được dệt từ cây gai dầu (hemp hay cây lanh) trồng tại vùng núi phía Bắc; hay Đinh Thúy Phương (Hà Nội) cùng nhóm bạn đã ứng dụng công nghệ để lai tạo giống, biến cỏ sậy thành ống hút xuất khẩu, thay thế ống hút nhựa.
Nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam chỉ ra mức tăng trưởng của các thương hiệu có cam kết "xanh" và "sạch" khá cao, khoảng 4%/năm.
Theo số liệu thống kê, có tới 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Tiêu dùng xanh cũng là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, dự kiến cần khoảng 30 tỉ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030.
Siêu thị nỗ lực hướng người dân tiêu dùng xanh
Để thúc đẩy tiêu dùng xanh, nhiều chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc đang nỗ lực chuyển đổi, thay thế túi ni lông khó phân hủy thành các bao bì thân thiện với môi trường, dễ dàng phân hủy, để đựng hàng hóa cho khách.
Đại diện Saigon Co.op cho biết từ 14 năm trước, chuỗi Co.opmart đã hưởng ứng chủ trương tiết kiệm bao bì với khẩu hiệu "Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường". Đơn vị cũng tổ chức chương trình "Ngày không túi ni lông".
Trong năm 2022 này, đơn vị cũng phát động chiến dịch tiêu dùng xanh với chủ đề "Gia đình xanh cùng hành động". Cụ thể, hơn 100 siêu thị và 500 cửa hàng thuộc Saigon Co.op trên cả nước, kết hợp hàng ngàn các doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia trưng bày sản phẩm xanh, giải pháp sản xuất xanh.
Vốn quan tâm đến tiêu dùng xanh, chị Nguyễn Trúc Hải My (31 tuổi, nhân viên kinh doanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết sẵn sàng chi thêm tiền để mua các sản phẩm xanh, vì không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp bản thân cảm thấy "thoải mái và an lành hơn".
Nhiều năm nay tại các siêu thị, cửa hàng do Saigon Co.op vận hành như Co.opmart, Co.opXtra... cũng ưu tiên bày bán nhiều sản phẩm xanh như chén/đĩa/tô từ mo cau, giỏ làm từ tre nứa, túi rác tự phân hủy sinh học, túi vải, hộp bã mía, ống hút tre, bàn chải tre...
Tác giả bài viết: https://lhhtx.vn/kinh-te/sieu-thi-thuc-day-tieu-dung-xanh-1823.html
Ý kiến bạn đọc