Khi lớp sương bắt đầu mỏng hơn, theo hướng dẫn của anh chủ nhà, tôi quyết định rong ruổi đến chợ phiên xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang). Xe vén từng lớp sương, hơi lạnh vấn vương vào da thịt. Ven đường, bà con đi chợ thành từng tốp nhỏ. Trông từ phía sau, chỉ thấy những chiếc gùi nhấp nhô theo nhịp bước. Con đường vốn bình yên với núi non xanh ngắt, lặng lẽ trong sương, gặp ngày chợ phiên bỗng bừng lên sắc màu tươi tắn.
Khách từ xa đến, lẳng lặng quan sát, lẳng lặng nghe, lẳng lặng hòa mình vào dòng người xuống chợ. Ngay dọc con đường ngoài cổng chợ là những sản vật của gia đình được bà con mang xuống bày bán. Cả trục đường nhuộm bởi sắc màu, từ ngan ngát xanh của bó cải mèo, rau dớn, su hào, bắp cải, xen vào là màu đỏ tươi của ớt, hồng, trộn lẫn thêm cả màu vàng của cam, bưởi, chuối... Người nâng mớ rau, người nhặt quả ớt, tiếng nói của người Mông, người Tày, người Dao... xen lẫn với nhau tạo nên những thanh âm rộn ràng. Em bé người Mông đứng nép phía sau nghe mẹ ngã giá với khách, đôi mắt mở to thu nạp ngôn ngữ sinh hoạt đời thường. Những củ măng trắng mới đào, mẹ gùi ra chợ bán để đổi lấy đồ dùng sinh hoạt cho gia đình, đổi lấy tiếng cười trong trẻo trong bộ quần áo mới cho em.
Nhắc đến quần áo, có lẽ chỉ những chợ phiên nơi phố núi mới có đủ sắc màu bắt mắt đến vậy. Những sạp quần áo thổ cẩm dựng san sát, quần áo đủ loại, họa tiết đủ hoa văn. Đứng giữa quầy hàng, thấy mình như ngập tràn trong bốn bề ánh sáng lấp lánh từ những sợi đỏ, sợi trắng, sợi vàng. Chị bán hàng người Dao thật thà chỉ cho khách bộ trang phục truyền thống được may thủ công. Khác hẳn với những sản phẩm được may công nghiệp, khoác thử áo lên người, thấy mềm mại như sợi mây cây cỏ, thấy êm êm như bàn tay người mới vừa đơm từng cúc áo.
Nhìn người khách lóng ngóng khoác lên mình bộ áo truyền thống của dân tộc mình, mấy cô cậu bịt miệng cười, vội vàng kéo nhau đi qua gian hàng. Người trẻ xuống chợ phiên chỉ cần như thế, họ tìm cho mình những điều thú vị trong ánh nhìn. Xuống chợ đôi khi chỉ để gặp gỡ, để tâm tình. Giữa bận rộn của chợ phiên, có chàng trai mặc bộ màu chàm, tay nắm chặt cô gái, đôi mắt nhìn đắm đuối như thăm thẳm sông hồ. Cô gái đi cùng lắc lắc mái đầu, sóng váy đung đưa, tiếng lắc bạc xủng xoảng. Họ còn đang suy tính điều gì mà lưỡng lự chưa đi, ngập ngừng đứng giữa lối chợ đông người qua lại.
Ở chợ phiên, có lẽ các bà, các mẹ là những người bận rộn nhất. Họ tất bật tra lại cán cuốc, lựa một con dao rừng sắc. Ấy vậy mà vừa xong, chúng tôi lại gặp họ xuất hiện nơi gian hàng bán hạt rau giống. Những người phụ nữ hết nâng lên lại đặt xuống. Đôi mắt đăm chiêu kia có phải đang nghĩ đến chòm cải xanh mướt, lưa thưa mọc lên giữa núi đá tai mèo. Chỉ vậy thôi, niềm vui cũng ăm ắp sau chiếc gùi đang đầy dần những đồ đạc.
Khi gùi đồ áng chừng đã đủ, chợ phiên như dịch chuyển về góc hàng ăn uống. Bát thắng cố nóng hổi, chén rượu ngô thơm nồng, vậy là đủ rộn một góc chợ. Ở một góc trầm lặng hơn, người chồng kéo vợ vào quán rồi gọi hai bát phở. Họ lặng lẽ ăn giữa những ồn ào náo nhiệt, sợi phở quyến luyến như tình cảm vợ chồng. Ngoài kia, sương đã tan hết, mặt trời kéo không gian lên cao, bầu trời trong trẻo, xanh lên cái màu xanh của chợ phiên miền biên viễn.
Tác giả bài viết: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/tu-trong-ky-uc-sac-mau-cho-phien-708889
Ý kiến bạn đọc