Chợ Hà Nội

Thứ sáu - 21/10/2022 22:26 302 0
Chợ là một sinh hoạt của tất thảy mọi người trong cộng đồng không phân biệt đẳng cấp, lứa tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo…Bất cứ ai cũng có thể đến chợ, tham gia vào sinh hoạt mua hoặc bán.
Chợ có từ xa xưa khi con người sống tập trung thành những khu vực nhất định. Cứ có dân sống tập trung là có chợ, từ nông thôn đến thành phố, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng núi đến miền biển.
Chợ Đồng Xuân hay còn gọi là Chợ Lớn (Grand Marché) hoặc Chợ Trung tâm (Les Hallss Centrales) nằm trong khu phố cổ vốn trước đây là khu đất trống rộng hơn chục héc-ta thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương. Năm 1889, người Pháp quy hoạch lại, giải tỏa hai chợ trên và dồn tất cả hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, lập nên chợ Đồng Xuân. Chợ Đồng Xuân từng được ví là cái “dạ dày” của Hà Nội. Mùa nào thức nấy, đầy đủ các mặt hàng, từ trong nước đến ngoại nhập.

Chợ thành phố khác ở nông thôn. Riêng Hà Nội, chợ cũng có những nét riêng. Ngày trước, khi Hà Nội còn bó hẹp, chưa mở rộng như bây giờ, chỉ có một số chợ chính, nổi tiếng như Đồng Xuân, Bắc Qua (ngay sát chợ Đồng Xuân), Mơ, Hôm, Hàng Da, Chợ Dừa, Cửa Nam, Ngã Tư Sở, Bưởi… Quy mô, phạm vi những chợ này cũng nhỏ, chỉ là nhà một tầng, có khi còn bầy hàng hóa ngoài trời, không có mái che.

Trước đây, ở thời bao cấp, kinh tế chưa phát triển, các chợ chủ yếu là nơi trao đổi hàng hóa của bà con làm ra và những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Nền sản xuất còn thấp, hàng hóa còn ít, chủ yếu lại do thương nhiệp quốc doanh điều tiết, kinh doanh nên các chợ nói chung nghèo nàn, lèo tèo. To nhất là chợ Đồng Xuân mà cũng chỉ mất không tới nửa giờ là có thể đi dạo hết chợ, nhìn được hết các mặt hàng.

Ngày trước, do chợ nhỏ hẹp, người ra vào không đông, lại đi lại bằng xe đạp chứ không có xe máy như bây giờ nên các chợ cứ để xe vào chợ thoải mái. Giờ đây, chợ nào cũng cấm xe vào nên các bãi trông xe quanh chợ tha hồ chặt chém người gửi không thương tiếc. Ngày thường là 5000đ/xe. Ngày lễ, Tết, người đi chợ đông, họ quát đến 2-3 chục nghìn đồng/xe là chuyện rất bình thường.

tm-img-alt
Ngày nay, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với quy mô lớn hơn trước nhưng vẫn giữ được một phần kiến trúc mặt tiền của chợ cũ. Kiến trúc mới chỉ giữ lại 3 khối tam giác, khối thứ nhất và khối thứ năm đã bị dỡ bỏ để mở rộng phố Hàng Khoai và phố Cầu Đông.
Mỗi chợ ở Hà Nội có đặc điểm riêng. Muốn mua hàng lương thực, thực phẩm và các sản vật mọi miền đất nước thì hãy đến chợ Bắc Qua. Chợ này họp ngoài trời, không rộng nhưng khá đầy đủ các hàng nông sản, ngư sản. Từ cá khô, tôm khô, mực khô đến nước mắm rồi hành, tỏi, ớt, măng tươi, măng khô, tóm lại là trên rừng dưới biển đều có đủ. Hàng ở đây tương đối rẻ. Ai cũng nghĩ mua gì phải đến nơi sản sinh ra hàng đó sẽ rẻ. Nhưng đã nhầm. Mua mực khô ở chợ Bắc Qua, nếu biết cách còn rẻ hơn mua ở ngoài biển. Cũng như vậy, mua măng ở trên rừng chưa chắc đã rẻ hơn ra chợ Bắc Qua.
tm-img-alt
Hà Nội đô thị hóa quá nhanh nhưng các phiên chợ đậm chất thôn quê như chợ Bưởi vẫn được gìn giữ giữa lòng Hà Nội như một nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Một đặc điểm độc đáo ở Hà Nội là chợ cóc. Chợ đang đông, bỗng ngay lập tức có thể giải tán ngay. Người bán hàng quáng quàng thu dọn hàng rồi biến rất nhanh, lẩn vào những ngõ ngách gần đó để chạy chốn lực lượng chức năng đi “đuổi” bởi đó là những nơi không được phép họp do cản trở đến giao thông hoặc trật tự chung. Nhưng khi những lực lượng này rút đi, dân họp chợ lại lập tức túa ra như cũ, chẳng khác gì cóc nhảy. Chợ này quả là tiện cho cả người bán lẫn người mua. Người bán không phải đóng thuế. Người mua không phải mất tiền gửi xe. Việc mua bán diễn ra chớp nhoáng. Nhưng lại gây lộn xộn, mất trật tự và mỹ quan đô thị. Bởi vậy mà những chợ cóc này luôn bị dẹp. Tuy nhiên, việc này không dễ do ý thức của dân chưa cao và nhất là sự tiện lợi đáng kể. Không ít nơi, mặc dù có chợ to mới xây rất hoành tráng ngay bên cạnh nhưng không ai vào họp mà vẫn cứ thích gặp nhau ở chợ cóc.

Ở Hà Nội có một loại chợ khá độc đáo, không có ở các nơi khác. Đó là chợ đêm giành cho sinh viên. Chợ này họp ở địa điểm đối diện với trường Đại học Quốc gia (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy). Tiếng là giành cho sinh viên nhưng bất cứ ai cũng có thể vào. Không hiểu nguồn hàng từ đâu mà giá cả ở đây rất rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên. Cùng một chủng loại hàng hóa nhưng giá ở đây chỉ bằng nửa nơi khác. Chợ họp từ chiềù đến khoảng 21-22 giờ hàng ngày.

tm-img-alt
Không chỉ là "thiên đường" mua sắm của các bạn trẻ với chủng loại hàng phong phú và giá cả hợp lý, phù hợp khả năng tài chính của giới sinh viên, Chợ sinh viên Hà Nội còn là nơi giúp các bạn trẻ có niềm đam mê kinh doanh có thể thử sức.
Những người không có vốn để kinh doanh lớn có thể tìm đến những chợ đầu mối để mua hàng rồi đem đến bán ở các nơi khác kiếm lời. Gọi là “đầu mối” bởi khách hàng ở đây ít khi là người mua lẻ mà chủ yếu là đối tượng trên. Hà Nội có một số chợ nổi tiếng từ lâu thu hút nhiều người lui tới. Ngoài chợ Bắc Qua như đã nói còn có một số chợ đầu mối lớn khác như Long Biên, Đền Lử, Láng…Chợ thường họp từ rất sớm, ngay từ 4 giờ sáng. Đến khoảng 7-8 giờ đã vãn. Từ giờ này trở đi chỉ là người mua lẻ về dùng chứ không còn dân buôn
tm-img-alt
Chợ đầu mối Long Biên được xem là chợ nông sản lớn nhất Hà Nội. Tại đây có hàng nghìn hộ kinh doanh với những thùng hoa quả, rau củ cùng những chuyến xe chở hàng, bốc xếp ra vào liên tục tạo nên nét đặc trưng cho khu chợ này.

Ngược về quá khứ, ngày trước, ở Hà Nội, người ta tụ họp thành từng phường để buôn bán các mặt hàng riêng. Ví như phố Hàng Vải thì chuyên bán vải, phố Hàng Mã chuyên bán đồ hàng mã, phố Hàng Bạc thì chuyên nghề vàng bạc…Về sau không còn như vậy. Đến nay, dấu tích này chỉ còn ở Hàng Mã, Hàng Bạc, Lãn Ông. Nhưng cũng không phải tất cả mọi nhà đều kinh doanh cùng một mặt hàng mà có người không, có người bán hàng khác. Nhưng cái tên phố thì vẫn giữ như trước.

Ngày nay cũng xuất hiện những phố chuyên sản xuất, kinh doanh một mặt hàng ví như đồ gỗ ở đưởng La Thành nhưng chỉ là đoạn từ Voi Phục đến ngã tư  tiếp giáp phố Giảng Võ và Láng Hạ, quần áo hàng thùng ở Kim Liên, giày dép ở phố Hàng Dầu, ẩm thực ở phố Cấm Chỉ, mĩ phẩm, quần áo ở Hàng Ngang, Hàng Đào…Nhưng nói chung, ngày hôm nay, không nhiều đường phố chuyên kinh doanh một mặt hàng như trước mà thiên về tổng hợp nhiều thứ hơn.

tm-img-alt
Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, cái tên chợ Hàng Da không chỉ gắn với nhu cầu mua sắm, ăn uống hằng ngày mà nó còn là nơi trao đổi, giao lưu văn hóa. Thậm chí suốt một thời bao cấp khốn khó, ngôi chợ còn là nơi cung cấp nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu mà cửa hàng mậu dịch quốc doanh không phục vụ.

Chợ ở Hà Nội ngày hôm nay hiện đại về kiến trúc hơn hẳn trước. Danh từ “chợ” truyền thống lâu nay giờ đây đã được thay bằng “Trung tâm thương mại”. Những chợ nổi tiếng như Đồng Xuân, Hôm, Mơ, Bưởi, Ngã Tư Sở, Hàng Da đều được xây dựng lại thành nhiều tầng.Vì vậy mà hàng hóa trong chợ cũng phong phú, đa dạng gấp bội so với trước. Nhưng bản sắc riêng của mỗi chợ thì cũng bị xóa nhòa.

Đến thủ đô Hà Nội, ngoài thăm thú các danh thắng nổi tiếng có lẽ cũng nên đến các chợ bởi những nơi này mang rõ phong cách của thủ đô ít nhiều cũng khác biệt so với các địa phương khác./.

Tác giả bài viết: https://www.moitruongvadothi.vn/cho-ha-noi-a113485.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây