Thái Nguyên: Kết nối tiêu thụ nông sản miền núi

Thứ sáu - 11/11/2022 05:00 163 0
Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của các huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên đã có mặt trong các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản

Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm

Trong đó có nhiều mặt hàng mang đậm bản sắc của các huyện miền núi đã và đang được xây dựng thành sản phẩm Ocop như: Na Võ Nhai, gạo nếp vải Ôn Lương, miến tỏi đen Trường Thọ, mỳ gạo Bao Thai Định Hóa…

Nhằm liên kết sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương đến các thị trường trong và ngoài tỉnh, từ năm 2021, huyện Võ Nhai đã khai chương Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử đối với sản phẩm na Võ Nhai, vào các đợt thu hoạch chính vụ, Sở Công Thương Thái Nguyên đã triển khai kết nối các sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh; tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước. Chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, nhất là trên nền tảng thương mại điện tử để đưa na lên sàn thương mại giao dịch

Na La Hiên (Võ Nhai) - sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên

Đối với sản phẩm gạo nếp vải Ôn Lương - đặc sản của huyện miền núi Phú Lương, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được quan tâm đặc biệt. Để phát triển và đưa thương hiệu gạo nếp vải của huyện Phú Lương vươn xa trên thị trường, tháng 9/2020, Hợp tác xã (HTX) Nông sản nếp vải Ôn Lương được thành lập nhằm thúc đẩy sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, chế biến lúa nếp vải...

Từ khi thành lập HTX đến nay, thương hiệu gạo nếp vải Ôn Lương ngày càng được nhiều người biết đến và đón nhận. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thời gian qua, HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương đã tích cực tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ trong tỉnh và các tỉnh bạn. Nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, HTX đã đầu tư máy hút chân không, máy dập túi, hộp đựng và tem dán truy xuất nguồn gốc.

Thái Nguyên: Kết nối tiêu thụ nông sản miền núi
Gạo nếp vải Ôn Lương được đóng từng gói nhỏ bán ra thị trường

Đến thời điểm hiện tại đã có trên 166.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được tạo tài khoản và đưa lên các sàn thương mại điện tử gần 3.000 sản phẩm nông nghiệp. Các mặt hàng được giao dịch chủ yếu là sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Chè, nhãn, miến, na… có tính cạnh tranh cao.

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ người dân, hợp tác xã hệ thống tem truy xuất nguồn gốc (QR code), đáp ứng yêu cầu của sản phẩm OCPOP. Sản phẩm “Na La Hiên” đã được cấp Nhãn hiệu tập thể và được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Thái Nguyên. Là sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực nên na La Hiên sẽ tiếp tục nhận được nhiều chương trình hỗ trợ cả về thương mại và kỹ thuật; xây dựng vùng sản xuất na hàng hóa quy mô lớn.

HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương không chỉ dừng ở việc cung cấp các sản phẩm gạo nếp vải ra thị trường mà đã tiến tới chế biến các món ăn khác nhau với nguyên liệu từ gạo nếp vải như: Xôi ngũ sắc, các loại bánh gồm bánh dầy ngũ sắc, bánh rợm, bánh ngải, bánh chưng, bánh gai... Đặc biệt, HTX đã chế biến ra một số sản phẩm có thời gian bảo quản và sử dụng được lâu hơn là cốm và cơm cháy. Huyện Phú Lương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con sản xuất nếp vải Ôn Lương theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Hỗ trợ sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng

Việc tổ chức các chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, địa phương, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; kết nối việc cung ứng, giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền vào các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng như các vùng lân cận. Để hỗ trợ sản phẩm nông sản, Sở Công Thương đã và đang tích cực triển khai kết nối hỗ trợ sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như: Hệ thống siêu thị Go, Minh Cầu, Aloha, Lan Chi…. Đồng thời, tiếp tục đưa các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh tiêu thụ trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên (www.thainguyentrade.vn) và các sàn thương mại điện tử khác như: Voso.vn và Postmart.vn; phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, HTX tham gia các sàn như: Lazada.vn; Tiki.vn; Sendo.vn...; sàn quốc tế: Alibaba.com; Amazon.com… dưới các hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thái Nguyên: Kết nối tiêu thụ nông sản miền núi
Tổ chức các chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực để làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tạo điều kiện lưu thông trên thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại và truyền thống, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tác giả bài viết: https://congthuong.vn/thai-nguyen-ket-noi-tieu-thu-nong-san-mien-nui-226630.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây