Hà Nội tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Thứ ba - 15/11/2022 22:09 193 0
Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, nền tảng bán hàng online... sẽ góp phần đưa sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm sử dụng.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là một trong những chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã được các tỉnh, thành trên cả nước tích cực hưởng ứng, xây dựng Kế hoạch để phát triển, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong đó TP Hà Nội là một điểm sáng về triển khai thực hiện Chương trình này. 

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, toàn TP đã có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng năm 2022. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội đang tiếp tục dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, đơn vị, trong đó ngành thực phẩm chiếm 65% sản phẩm, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP của thành phố đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Hà Nội tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, nền tảng bán hàng online...

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung, còn lệ thuộc nhiều vào liên kết vùng nguyên liệu đầu vào của các vùng miền trong cả nước; quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; đầu ra của các sản phẩm OCOP vẫn nhiều khó khăn, các chủ thể OCOP vẫn khó tiếp cận đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các siêu thị lớn hay kênh phân phối quốc tế...

Những năm vừa qua, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hoạt động ứng dụng công nghệ số để xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP còn chưa đạt được những kết quả tương xứng với tiềm năng thực tế. Do đó, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream); triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Mặt khác, để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn để có thị trường tiêu thụ rộng hơn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần sự hợp tác nhiều hơn để thúc đẩy cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thời gian tới Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; xây dựng quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...

Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản, với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Tận dụng lợi thế này, thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương... thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Thủ đô sẽ ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế./.

Tác giả bài viết: https://dangcongsan.vn/kinh-te/ha-noi-tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai-cho-san-pham-ocop-624522.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây