Hối hả vào vụ cuối năm
Thị trường nông sản Hà Nội đang “nóng” lên từng ngày. Ông Nguyễn Viết Thư ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, dự kiến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trang trại của gia đình ông sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 con gia cầm, thủy cầm.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà thông tin: Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường 150-200kg rau các loại, những ngày cận Tết số lượng rau có thể tăng lên khoảng 10-15%.
Đến với làng nghề trồng và chế biến chè truyền thống xã Ba Trại (huyện Ba Vì), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí nhộn nhịp, hối hả. Theo ông Nguyễn Văn Chính ở xóm Đô, xã Ba Trại, năm 2021, sản phẩm chè Ba Trại được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, giá các loại chè thông thường ổn định ở mức 200.000 đồng/kg, chè búp khô loại ngon tăng từ 250.000 đồng/kg lên đến 350.000 đồng/kg.
Để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nông dân đang hối hả vào vụ sản xuất cuối năm. Đến nay, các địa phương đã gieo trồng 29.625ha cây vụ đông, trong đó rau các loại là 13.966ha và đã gieo trồng đạt gần 100% diện tích. Tổng đàn gia cầm khoảng 40,8 triệu con, tăng 0,4% so với năm 2021; đàn lợn 1,428 triệu con, tăng 4,6% so với năm 2021…
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố, cơ bản bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô dịp trong và sau Tết Nguyên đán. Trung bình lượng thịt lợn tiêu thụ cả nước trong tháng Tết vào khoảng 320.000-330.000 tấn, gia cầm khoảng 150.000-160.000 tấn... Khác với mọi năm, giá lợn hơi đang ở mức thấp do sức mua giảm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, cả nước đang có 28,4 triệu con lợn và 531,7 triệu con gia cầm… hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết.
Hiện tại, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đang đẩy mạnh chăm sóc và thu hoạch phục vụ thị trường Tết. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, năm nay, vụ đông toàn miền Bắc trồng khoảng 400.000ha rau màu. Diện tích rau phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán còn khoảng 50.000ha, tương đương sản lượng gần 1 triệu tấn…
Kiểm soát chặt chẽ, điều tiết các nhóm hàng
Nguồn cung nông sản, thực phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán cơ bản ổn định nhưng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các hộ nông dân, hợp tác xã cần sản xuất theo nhu cầu thị trường, tập trung phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hạn chế thiệt hại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, đến nay toàn huyện đã gieo trồng được 750/750ha cây vụ đông, đạt 100%. Diện tích cây ăn quả tập trung là 541,4ha; diện tích chè toàn huyện là 75,1ha, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân. Để hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất cung cấp nông sản cho thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng. Có cơ chế hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi mới, mua sắm trang thiết bị máy móc ứng dụng cơ giới hóa và các hỗ trợ khác để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mở các điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để giúp nông dân tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời điểm cuối năm rét đậm, rét hại xảy ra, nông dân cần theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đưa ra những dự báo nhu cầu tiêu dùng để cân đối cung - cầu...
Nhằm ổn định nguồn cung nông sản dịp trong và sau Tết Nguyên đán, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất - nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu nông sản, qua đó điều tiết cung - cầu từng nhóm hàng, từng khu vực trong các tình huống; tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát giá, tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, phát triển sản xuất, phục vụ thị trường...
Tác giả bài viết: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1052170/san-sang-nguon-nong-san-phuc-vu-tet
Ý kiến bạn đọc