Chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội: Cải tạo để tồn tại và phát triển

Chủ nhật - 08/01/2023 22:39 313 0
Trước nền kinh tế thị trường, nhưng hiện chợ truyền thống ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung đã và đang dần mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Thay vào đó, người tiêu dùng bắt gặp nhiều hơn những trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị… trước sự “bành trướng” của hệ thống chợ hiện đại phải làm sao để chợ truyền thống tồn tại?

Chợ không chỉ là nơi bán hàng

Hà Nội hiện có rất nhiều chợ dân sinh, tuy nhiên, hầu hết số chợ đó đang nằm trong tình trạng sập sệ, không được quan tâm đầu tư. Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội, hiện có khoảng 60 chợ thực phẩm đang tồn tại trong thành phố. Trong đó, khảo sát của tổ chức HealthBridge (Canada), số người dân thích mua sắm ở cả chợ dân sinh và siêu thị lên đến 70%. Một trong những lý do khiến người tiêu dùng thích mua sắm ở chợ truyền thống được thống kê là do, họ thích mua sản phẩm tươi ngon, giá cả thấp và tiện lợi.

Theo anh Đỗ Xuân Ngà ở Khu đô thị Mê Linh (Hà Nội), một trong những người thường xuyên lựa chọn mua thực phẩm ở chợ dân sinh chia sẻ, hàng tuần anh vẫn đến chợ Hạ (chợ phiên) để tìm mua những thực phẩm tươi ngon cho cả nhà. Sở dĩ lựa chọn chợ dân sinh không phải vì anh Ngà không thích mua thực phẩm ở siêu thị, hay cửa hàng tiện ích… mà bởi, đi chợ anh sẽ được thoải mái lựa chọn thực phẩm tươi sống, giá hợp lý. “Giá thực phẩm mua ở chợ dân sinh rẻ hơn nhiều giá thực phẩm bán tại các khu đô thị. Ví dụ khi tôi mua một con gà, vẫn tươi sống đấy nhưng ở chợ chỉ bán với giá 75.000 đồng/1kg, còn bán tại chỗ khác giá phải lên đến 100.000 đồng/1kg”, anh Ngà so sánh.

Chợ dân sinh cần phải được cải tạo để tồn tại và cạnh tranh với các siêu thị, cửa hàng tiện ích… Ảnh: Đức Hà

Một điều khá thú vị tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống đó là việc người dân đến chợ không chỉ để mua hàng, mà nhiều người còn mang những sản vật, đặc sản địa phương ra chợ ngồi bán. Thậm chí, nhiều người đến chợ chỉ là để tìm kiếm những nét văn hóa xưa cũ. Bà Phạm Thị Dị ở thôn Văn Quán (Mê Linh) cho biết, hàng tháng cứ đến phiên chợ (ngày mùng 3 và mùng 8 hàng tháng) tôi lại ra vườn hái ít rau rồi mang ra chợ bán kiếm vài đồng. Đôi khi tiền bán rau chỉ đủ ăn quà vặt, hay cũng là để lúc nào cần mua gì thì mua và không phải xin con cháu, với lại đi chợ cho nó đỡ mỏi người.

Từ những chia sẻ trên có thể thấy, với người Việt Nam, đi chợ không chỉ là để mua bán, mà còn để giao lưu trao đổi câu chuyện và văn hoá giữa các nhóm khác nhau. Hay nói cách khác, chợ truyền thống còn là không gian công cộng mang tính truyền thống của dân tộc, của vùng hay một địa phương nhất định. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá chóng mặt, các chợ truyền thống này đang dần bị thay thế bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, khiến khu vực đô thị cũng mất dần những yếu tố văn hoá này. Theo ông Steve Davies (Mỹ) - chuyên gia nghiên cứu về việc phát triển chợ cho biết, với sự đa dạng và phong phú các dịch vụ như ở chợ dân sinh tại Hà Nội, thì chợ hoàn toàn có thể cạnh tranh được với siêu thị trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng cần phải cải tạo lại.

Cải tạo cần chú ý đến nhu cầu của người dân

Đề cập đến câu chuyện làm sao để cải tạo các chợ truyền thống ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung, ông Steve Davies cho rằng trước tiên cần phải cải tạo lại những vòm mái chợ để bảo vệ người bán và người mua trước điều kiện thời tiết. Tiếp đến là cải tạo lại sàn chợ để sạch sẽ hơn, những quầy hàng có nhiều chức năng hơn cho người bán và cơ sở hạ tầng có tiện ích tốt hơn. “Phần nhiều những điều cần phải làm thuộc về bảo trì đang bị “chậm trễ”, khiến các khu chợ dần bị xuống cấp. Đã đến lúc cần những cam kết nghiêm túc tái đầu tư cho các khu chợ”, ông Steve Davies nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, chợ truyền thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hang, thuận tiện cho mua bán. Trong thời kinh tế thị trường, những nhà đầu tư ngắn hạn và với tầm nhìn tủn mủn thì người ta thấy những cái lợi có ngay, nên thay vì làm cho cái chợ trở nên tốt hơn, người ta lại nhìn thấy những bất động sản béo bở. Vì thế, rất nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội đã bị biến mất, trở thành những “tổ hợp” mà không biết nên gọi nó là cái gì, thương mại thì không hoạt động mà hỗn hợp nhà ở thỉ rất bất tiện. Chính vì cách đầu tư ngắn hạn đó mà những nhà đầu tư đã thất bại.

Theo ông Ánh, với cách cải tạo chợ không dựa vào nguồn ngân sách thì phải dựa vào các giải pháp tình thế như vậy, nhưng nếu những cách tiếp cận có tính nhân văn, chú ý thật sâu sát đến nhu cầu mua bán của người dân, cũng như sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu hay các kiến trúc sư thì có thể cải thiện được không gian chợ với chi phí thấp mà vẫn duy trì được hoạt động, không bị gián đoạn, nhưng có thể nâng cấp từng bước một, chuyển đổi mô hình thương mại phù hợp với những điều kiện kinh doanh cũng như sản xuất sinh hoạt của người dân không ngừng nâng cao.

Mỗi cái chợ đều gắn với nơi sinh hoạt của một khu dân cư có tính văn hóa, cộng đồng. Chợ, ngoài chức năng phát triển kinh tế dân sinh, thì cũng phải là địa điểm trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng thu hút được lối sống mới trong đô thị trong quá trình đô thị hóa, có văn minh thương mại và văn hóa ứng xử trong sinh sống và kinh doanh, tạo nên một nét văn hóa kẻ chợ trong thế kỷ XXI.

Tác giả bài viết: https://laodongthudo.vn/cho-truyen-thong-tren-dia-ban-ha-noi-cai-tao-de-ton-tai-va-phat-trien-82279.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây