Trong mọi tình huống, Thành phố luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối… không để xảy ra khan hàng, sốt giá, đầu cơ trục lợi.
Dự báo dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 10% -15%, vì vậy các DN đã đẩy mạnh sản xuất, mua bán, dự trữ hàng hóa để sẵn sàng phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng (NTD). Không chỉ các DN sản xuất có kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết, mà các hệ thống phân phối lớn cũng đã chuẩn bị nguồn hàng chủ lực tăng từ 20 - 30% so với Tết năm 2022.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường TP Hồ Chí Minh dịp Tết Nguyên đán, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cung ứng lượng hàng hóa chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường). 57% - 75% thị phần còn lại do các DN sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… cung ứng. Về phía DN bình ổn thị trường, nguồn vốn để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho 2 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng (trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường).
Với nhu cầu tiêu thụ lớn, nhưng TP Hồ Chí Minh chỉ tự đáp ứng khoảng 20% sản lượng rau củ quả, 15% thủy sản, 8% -10% thịt lợn... còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, lượng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh hiện nay chủ yếu thông qua 3 chợ đầu mối: Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức với sản lượng bình quân 7.600 tấn/ngày gồm: thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả.
Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị và 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của hệ thống phân phối hiện đại này cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, hàng hóa từ các tỉnh đổ về các chợ đầu mối để cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh gần như chưa được kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), việc truy xuất nguồn gốc hầu như cũng chưa đáp ứng được ở tất cả các mặt hàng và tỷ lệ hàng hóa có chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cực kỳ ít, gần như không có.
Riêng hệ thống phân phối hiện đại thì vấn đề ATVSTP, truy xuất nguồn gốc và sản phẩm đạt chuẩn, được thực hiện chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hiện đại chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa thực phẩm. Chính vì vậy, ngoài việc dự trữ nguồn hàng đầy đủ, chất lượng, thì ATVSTP cũng đang là vấn đề khiến NTD hết sức quan tâm.
Để kiểm soát ATVSTP từ nguồn và sản phẩm từ tỉnh đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở NN&PTNT một số địa phương có nguồn nguyên liệu cung ứng cho TP Hồ Chí Minh, ký kết công tác phối hợp trong quản lý và tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng. Theo đó, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến khi đưa ra thị trường và sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết, trong đó tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối...
Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tác giả bài viết: https://cand.com.vn/Thi-truong/du-tru-luong-hang-lon-de-on-dinh-thi-truong-tet-i680385/
Ý kiến bạn đọc