CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CHỢ TOÀN CẦUhttps://chotoancau.vn/uploads/2_2.png
Thứ hai - 09/01/2023 20:493240
Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay chợ truyền thống ở nước ta vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của cộng đồng dân cư đô thị. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của các đô thị hiện đại, chợ truyền thống cần được đổi mới về không gian, môi trường và cả phương thức kinh doanh.
Chợ không chỉ tạo nên những nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư, mà còn được coi là nơi bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Là nơi gặp gỡ của người dân, góp phần thắt chặt và làm bền vững các mối quan hệ trong cộng đồng. Không ở đâu, các mặt hàng lại phong phú như ở chợ. Người mua thoải mái mặc cả, thuận mua vừa bán và điều này đặc biệt quan trọng không chỉ đối với những người có thu nhập thấp. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhiều tổ chức quốc tế và khách nước ngoài đánh giá rất cao văn hóa truyền thống của chợ Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, dù chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mô hình bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống vẫn phát triển.
Tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đang diễn ra xu hướng quy hoạch chợ truyền thống thành TTTM, siêu thị, nhằm xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại. Xu hướng này phù hợp với thực tế phát triển của đô thị hiện đại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, chợ trong TTTM ở nhiều nơi đã làm không ít hộ tiểu thương rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội". Thời gian qua, Hà Nội đã nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn, thành TTTM như chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa, Cửa Nam… với hy vọng mô hình mới, hiện đại hơn sẽ giúp mở rộng mạng lưới lưu thông hàng hóa, nhưng thực tế lại có không ít vấn đề khiến nhiều tiểu thương phải bỏ quầy bán hàng.
Giữ lại mô hình chợ truyền thống trong các đô thị hiện đại là cần thiết, tuy nhiên, chợ truyền thống đã, đang tồn tại những điểm yếu như công tác quản lý lỏng lẻo, không kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, an toàn vệ sinh thực phẩm, ồn ào, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì được những nét văn hóa của chợ truyền thống, đồng thời thay đổi tư duy cũng như thói quen mua bán cho phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại. Trước mắt, cần nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng tại chợ phù hợp, bảo đảm sự đi lại thông thoáng, mua bán thuận tiện; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của ban quản lý chợ hiện có và có hướng chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.
Trong thực tế, mô hình xã hội hóa quản lý chợ truyền thống đã được thực hiện và cho hiệu quả tốt như chợ Đồng Xuân, chợ Láng Hạ (Hà Nội)… Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được quy hoạch lại và hoàn thiện cả về giao thông, môi trường, không gian quầy hàng, an ninh trật tự và cách ứng xử của tiểu thương. Theo hướng đó chợ truyền thống sẽ có cơ hội phát triển song hành với các kênh phân phối khác.