Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, lĩnh vực bán lẻ cũng chịu tác động nặng nề. Hoạt động kinh doanh của tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng khó khăn. Chưa kể trên địa bàn còn xuất hiện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... khiến việc kinh doanh của các tiểu thương ở chợ truyền thống khó càng thêm khó. Sức mua giảm, hàng hóa ế ẩm, khách hàng thưa thớt khiến không ít tiểu thương phải đóng sạp, chấp nhận “bỏ chợ” để tìm việc làm khác.
Chợ Nguyễn Du (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) được xây dựng từ năm 2009. Sau gần 12 năm hoạt động, chợ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thu hút tiểu thương đến kinh doanh.
Theo nhiều tiểu thương, chợ Nguyễn Du còn rất rộng nhưng công tác quản lý còn bất cập, dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, buôn bán lộn xộn tại những tuyến đường quanh chợ, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các tiểu thương trong chợ. Do không phải trả các chi phí liên quan đến mặt bằng, thuế, phí nên hàng hóa của những người bán hàng rong thường rẻ hơn. Kiểu bán hàng này tiện lợi, không phải gửi xe, giá rẻ... nên được người tiêu dùng “chuộng” hơn.
Bà Nguyễn Thị The, tiểu thương chợ Nguyễn Du cho biết: Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng tiểu thương không biết kêu ai. Người bán hàng rong đứng gần như chặn hết các ngả đường vào chợ khiến các sạp phía trong khó bán nên nhiều người đã phải nghỉ bán. Tôi mong lực lượng chức năng xử lý dứt điểm tình trạng này để chợ phát triển theo đúng nghĩa của nó.
Không chỉ chợ Nguyễn Du, mà một số khu chợ truyền thống trên địa bàn thành phố như Kim Tân, Pom Hán… cũng chung cảnh kinh doanh ế ẩm, có nhiều sạp hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh.
Khác với một số chợ đã đề cập ở trên, hình ảnh chợ Cốc Lếu ngày càng hiện đại, văn minh đang để lại ấn tượng tốt trong mắt người dân và du khách. Để trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người dân thành phố và điểm tham quan, mua sắm của khách du lịch, Ban Quản lý chợ thường xuyên tổ chức họp những hộ kinh doanh để tuyên truyền, nhắc nhở ý thức giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống cháy, nổ; tổ chức cho các tiểu thương cam kết bán hàng đúng giá và không gây khó dễ cho khách hàng với tiêu chí “thuận mua, vừa bán”, không chèo kéo du khách. Các tiểu thương trong chợ cũng tích cực cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin, tiện ích thanh toán thông minh kết hợp bán hàng trực tuyến.
Để thúc đẩy hoạt động mua bán, giao thương hàng hóa và giao lưu văn hóa, phát triển du lịch, chợ phiên Bản Liền (huyện Bắc Hà) đã được nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022. Nhà chợ chính và các ki-ốt được lợp mái che bằng tôn, có nhà vệ sinh sạch sẽ, hệ thống phòng cháy, chữa cháy bảo đảm… giúp việc giao thương của người dân thuận lợi, an toàn.
Chợ Bản Liền sau khi được nâng cấp, sửa chữa, bảo đảm điều kiện thì tiểu thương đều tập trung buôn bán trong khuôn viên chợ, không còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, số lượng tiểu thương kinh doanh thường xuyên tại chợ cũng tăng từ 10 hộ lên hơn 40 hộ. Anh Nguyễn Văn Thêm, tiểu thương chợ Bản Liền cho biết: Nhờ được cải tạo khang trang, điều kiện bán hàng tại chợ đã tốt hơn rất nhiều…
Sau khi chợ phiên Bản Liền được cải tạo, người dân trong xã và các xã lân cận cũng tiêu thụ được nhiều loại sản vật, quần áo thổ cẩm hơn. Người dân từ các xã Tân Tiến, Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) cũng tìm đến giao lưu, trao đổi hàng hóa.
Từ mô hình chợ Cốc Lếu và chợ phiên Bản Liền có thể thấy, mặc dù trước nhiều áp lực nhưng chợ truyền thống vẫn là kênh mua bán được nhiều người lựa chọn. Chợ truyền thống vẫn phát triển nếu các địa phương, ban quản lý chợ, tiểu thương biết nắm cơ hội và thay đổi phù hợp với xu thế mới.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, các địa phương cần xây dựng quy chế quản lý các tuyến đường, tuyến phố xung quanh chợ, nhất là cần nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, tạo điều kiện cho tiểu thương trong chợ hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần phổ biến, nâng cao kiến thức, ứng dụng thương mại điện tử và các phương thức kinh doanh mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống trong tình hình mới.
Tác giả bài viết: https://baolaocai.vn/bai-viet/363411-phat-trien-cho-truyen-thong-trong-xu-the-moi
Ý kiến bạn đọc