Triển khai Nghị quyết số 156/NQ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Văn bản số 8348/BCT-KHTC, yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác lớn về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách quan trọng khác để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh, nhất là trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá.
Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước được Bộ trưởng giao theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.
|
Ông Diên đánh giá, trong thời gian tới, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát tăng cao; thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở một số nước cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi. Do vậy, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có các chính sách điều hành phù hợp, ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường.
Đặc biệt, năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết dương lịch nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cần được tích cực triển khai sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu. Đồng thời, việc bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 chính là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ.
Đại diện NHNN Việt Nam cũng cho biết, chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, NHNN đã chỉ đạo các NHTM có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường.
Về phía doanh nghiệp, đại diện hệ thống siêu thị Co.op mart chia sẻ, doanh nghiệp đã làm việc với nhiều nhà cung cấp nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định. Theo đó, nguồn hàng hóa dự kiến tăng 10 - 15% được tập trung tại 7 kho trung tâm với tổng giá trị hàng hóa tồn kho lên tới 10 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm trên cơ sở phối hợp với nhà cung cấp để có giá tốt, kích cầu mua sắm cuối năm. Các chương trình này được thực hiện từ cuối tháng 11/2022 đến 21/1/2023 ở 800 điểm bán tại 43 tỉnh thành. Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, tổ chức hàng trăm chuyến hàng ở vùng sâu vùng xa, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân với giá hợp lý.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Big C/Go, hệ thống siêu thị Big C/Go đang tập trung nguồn hàng mùa vụ Tết 2023 đa dạng với mức tăng trưởng cao từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các nhóm mặt hàng phi thực phẩm như: gia dụng, dệt may dự trữ tăng khoảng 20%; các mặt hàng thực phẩm Tết tập trung cung ứng trong hai tuần cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, gồm các sản phẩm như: bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, trái cây...
Bên cạnh đó, Big C/Go sẽ tung ra chương trình khuyến mãi từ 30-50% với hàng nghìn mặt hàng xuyên suốt trong dịp Tết. Đồng thời, tăng thêm thời gian bán hàng và nhân sự để phục vụ nhân dân mua sắm.
“Nguồn hàng dồi dào nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm bởi giá cả trước và trong dịp Tết sẽ ổn định. Chúng tôi cũng đã thỏa thuận với các nhà cung cấp cố gắng cung ứng đủ mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh vào thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán nhằm hạn chế tối đa tình trạng giá cả tăng giá đột biến sau Tết do nguồn cung ít”, ông Phong chia sẻ thêm.
Tác giả bài viết: https://thoibaonganhang.vn/binh-on-thi-truong-trong-dip-tet-nguyen-dan-135167.html
Ý kiến bạn đọc