Hội chợ hoa Xuân 2023 do huyện Phúc Thọ tổ chức diễn ra từ 30/12/2022 cho đến hết ngày 21/01/2023 (tức ngày 30 Tết Nguyên đán năm Quý Mão). Địa điểm tổ chức hội chợ là tại Khu Điếm Tổng, thuộc xã Tích Giang (nằm ven tuyến Quốc lộ 32).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ - ông Nguyễn Đình Sơn, sự kiện nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vùng hoa cây cảnh gắn du lịch sinh thái xã Tích Giang và các sản phẩm hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoa, cây cảnh có cơ hội giao thương, thúc đẩy kinh tế hàng hóa của huyện phát triển.
Ngoài những sản phẩm hoa, cây cảnh của địa phương, huyện Phúc Thọ còn khuyến khích, mời gọi các chủ nhà vườn tại những vùng trọng điểm phát triển hoa, cây cảnh của Hà Nội (Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín…) và một số tỉnh, TP lân cận, mang sản phẩm đến tham gia hội chợ.
Thông qua hội chợ hoa Xuân 2023, huyện Phúc Thọ kỳ vọng góp phần bình ổn giá, ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt là mang đến những sản phẩm hoa, cây cảnh đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đảm bảo chất lượng tốt và giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, là huyện nông nghiệp ngoại thành, được TP Hà Nội quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, những năm qua, nông nghiệp tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện.
Cụ thể hoá định hướng trên, huyện đã ban hành Đề án số 07/ĐA-UBND về tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, Đề án Phát triển làng nghề hoa cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang và Đề án Phát triển sản xuất hoa chất lượng cao xã Tam Thuấn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, huyện Phúc Thọ đã xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Toàn huyện có 5 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận gồm: Làng Linh chiểu xã Sen Phương; làng Thượng Hiệp, làng Hạ Hiệp, làng Đồng Hối xã Tam Hiệp; thôn Đông xã Phụng Thượng. Ngoài ra, có 4 làng đang phát triển các nghề mới.
Để nâng cao thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã tích cực phối hợp các sở ngành của Hà Nội để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu.
Đến nay, huyện có 7 sản phẩm đã được đăng ký và công bố nhãn hiệu gồm: Chuối Vân Nam, bưởi Phúc Thọ, cà dầm tương, tương nếp Tam Hiệp, bưởi Tam Vân, rau Xuân Phú, thịt lợn Phúc Thọ. Bên cạnh đó, 59 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao OCOP trở lên; trong đó, 29 sản phẩm 4 sao; 30 sản phẩm 3 sao.
Hiện nay, huyện Phúc Thọ tiếp tục phối hợp với Sở KH&CN xây dựng 2 nhãn hiệu du lịch Tích Giang và rau Thanh Đa; Sở NN&PTNT hướng dẫn 2 xã Tam Hiệp và Sen Phương lập hồ sơ đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm hai làng nghề làng nghề may Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp) và làng bún bánh đậu phụ, làng nghề Linh Chiểu (xã Sen Phương).
Tác giả bài viết: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-khai-mac-hoi-cho-hoa-xuan-huyen-phuc-tho-nam-2023.html
Ý kiến bạn đọc