Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ, Diễn đàn là hoạt động hết sức có ý nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa 2 nước.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Lào là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 240 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 5,3 tỷ USD. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào sự phát triển của hai nước, được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao như: Dự án đầu tư của Viettel, Tập đoàn HAGL, Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam; dự án tổ hợp sân golf và khách sạn nhà ở của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành; hoạt động của chi nhánh các ngân hàng cổ phần Việt Nam tại Lào…
Cùng hòa chung trong mối quan hệ hai nước, hợp tác giữa TPHCM và các địa phương Lào thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Theo ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM, tính đến tháng 11 năm 2022, đầu tư của Lào thông qua hình thức gián tiếp (góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp) tại TPHCM đạt khoảng 2 triệu USD; kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 20 triệu USD, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, tính đến tháng 11 năm nay, Việt Nam có 238 dự án đầu tư vào Lào với tổng số vốn đăng ký 5,34 tỷ USD; trong đó có 44 dự án của các nhà đầu tư từ TPHCM với tổng vốn đăng ký khoảng gần 500 triệu USD.
TPHCM hiện có quan hệ hữu nghị với các địa phương của Lào, đặc biệt là thủ đô Vientiane, tỉnh Champasak, tinh Savanakhet, mối quan hệ này không ngừng được phát triển thiết thực bao gồm các dự án đã và đang và sẽ triển khai trong thời gian tới, cùng như việc chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các lĩnh vực về nông nghiệp, ngân sách, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo, văn hóa-thể thao…
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết, trong giai đoạn 2,3 năm trở lại đây, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ Lào cùng toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp để thích ứng với điều kiện bình thường mới, đồng thời tập trung phát triển đất nước thông qua tận dụng vị trí địa lý và thế mạnh, tiềm năng bằng cách thu hút, vận động các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước nước.
Chính phủ Lào cũng đã nỗ lực củng cố cơ sở hạ tầng, cải thiện đường giao thông, bao gồm đường cao tốc, đường sắt, sân bay, phát triển hệ thống cảng cạn; xây dựng và phát triển hệ thống cầu xuyên quốc gia; củng cố dịch vụ vận chuyển hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa nhân dân Lào với các nước trong khu vực.
Lào cũng có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ chế biến, du lịch, nhất là du lịch văn hóa; phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; nỗ lực trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, dịch vụ vận tải, logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Thời gian tới, Chính phủ Lào sẽ nghiên cứu, xem xét, đôn đốc và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào ngày càng được thuận lợi và nhanh chóng.
Tác giả bài viết: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-co-hoi-hop-tac-thuong-mai-dau-tu-cho-doanh-nghiep-viet-lao-169982.html
Ý kiến bạn đọc