Được cấp quyền gắn nhãn OCOP mang lại lợi thế nhất định cho chủ sở hữu nhưng nó chưa đủ để tạo ra đặc trưng và tính cạnh tranh cho từng sản phẩm OCOP.
Tại sao cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?
Như đã nói, nhãn OCOP là nhãn hiệu chứng nhận và chỉ chứng nhận là sản phẩm nằm trong chương trình OCOP của quốc gia, địa phương và chứng nhận này là đặc trưng và lợi thế cho hàng ngàn sản phẩm chứ không cho riêng một sản phẩm nào. Chính mỗi chủ sở hữu sản phẩm OCOP phải tạo ra đặc trưng và tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình để đưa sản phẩm ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.
Lại nói đến câu chuyện về gạo, đây là sản phẩm đặc trưng của một nước nông nghiệp như Việt Nam mà hiện rất nhiều địa phương trên cả nước đều có sản phẩm được đánh giá, phân hạng và gắn nhãn OCOP. Tuy nhiên, nếu mỗi sản phẩm này chỉ gắn nhãn OCOP thì may ra chúng chỉ được biết đến trong địa phương, thậm chí chỉ trong những người trực tiếp sản xuất còn không thể đưa ra cho người tiêu dùng trong cả nước và quốc tế. Đơn giản là vì càng nhiều sản phẩm gạo OCOP thì tính cạnh tranh giữa các sản phẩm này càng cao. Nếu sản phẩm đó không có bất cứ dấu hiệu nào đặc trưng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn, sản phẩm đó dù chất lượng có tốt đến mấy cũng không thể tồn tại trên thị trường.
Việc nhận biết và lựa chọn này phải thông qua những đặc tính mà người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra bằng mắt, đó là nhãn hiệu, đó là bao bì, là kiểu dáng. Vì vậy, nếu sản phẩm OCOP chất lượng tốt, 5 sao nhưng được đóng theo quy cách thông thường không có dấu hiệu nhận diện thì không khác gì sản phẩm hàng chợ giá rẻ hoặc chỉ nằm trong danh sách OCOP chứ không thể nằm trên giá siêu thị, cửa hàng.
Đây là lí do bên cạnh danh sách OCOP được công bố, trong danh sách này phải đi kèm danh sách nhãn hiệu OCOP được đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu, về kiểu dáng (quy cách bao gói), điều này mới giúp cho người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn sản phẩm OCOP phù hợp với mình và cùng là để tăng sự cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của từng sản phẩm OCOP.
Rào dậu cho kín…
Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP có thể hỗ trợ hiệu quả cho việc quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một sản phẩm cạnh tranh được gắn các công cụ cạnh tranh như thương hiệu, bao bì, kĩ thuật được pháp luật bảo hộ sẽ cung cấp cho chủ sở hữu các phương án quản lý, kinh doanh hiệu quả, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, cũng như tạo một mức độ độc quyền nhất định, giúp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có ý định xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp trước khi xuất khẩu sản phẩm của mình cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài ở cả hai khía cạnh: tránh rủi ro quyền của mình bị bên thứ ba xâm phạm, lợi dụng và tránh việc vô tình xâm phạm tài sản sở hữu trí tuệ của bên khác, điều này sẽ gây hậu quả pháp lý rất nặng nề và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh một sản phẩm cạnh tranh hữu hình như một sản phẩm OCOP, bạn vẫn cần đến những công cụ và tài sản sản vô hình là thương hiệu, uy tín, là kĩ thuật, hiểu biết của bạn và những tài sản này cần phải được bảo hộ vì đó là những tài sản dễ xâm phạm nhất. Một sản phẩm OCOP rất dễ bị làm giả, làm nhái và việc này sẽ đẩy chủ thể sở hữu sản phẩm này vào nguy cơ không thể cạnh tranh so với đối thủ về giá thành, về thị phần, nhân công. Vì vậy, doanh nghiệp cần sử dụng đến hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ cho những tài sản giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh thậm chí thế độc quyền trên thị trường.
Tác giả bài viết: https://diendandoanhnghiep.vn/bao-ho-so-huu-tri-tue-san-pham-ocop-bai-2-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-235421.html
Ý kiến bạn đọc