Tốt nghiệp chuyên ngành du lịch, ra trường có công ăn việc làm với đồng lương ổn định, nhưng anh Lưu Thạnh Sanh, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, đã quyết định về quê khởi nghiệp. Với những kiến thức học được trên ghế nhà trường và kinh nghiệm 2 năm làm du lịch sinh thái, anh Sanh đã thuyết phục gia đình cải tạo 1ha đất sản xuất làm điểm phát triển du lịch sinh thái Thạnh Sanh Fram. Với kết cấu khu trò chơi dân gian và vườn trái cây sinh thái tạo không gian vui chơi và giải trí trong lành cho du khách thưởng ngoạn. Đưa vào khai thác gần một năm nay, Thạnh Sanh Fram đang được kỳ vọng trở thành những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho mục tiêu phát triển du lịch sinh thái của huyện Phụng Hiệp.
Anh Sanh cho biết: “Bản thân nhận thấy ở Hậu Giang có diện tích trồng mít rất lớn nhưng đầu ra gặp khó, cho nên mới quyết định về vườn của mình xây dựng mô hình du lịch để giới thiệu cho bạn bè gần xa về thế mạnh của địa phương mình và qua đó giúp sản phẩm có cho đầu ra tốt hơn. Mặt khác, thế mạnh của bản thân là việc tổ chức các trò chơi giải trí nên muốn kết hợp hai thế mạnh này làm du lịch sinh thái, một lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng ở huyện Phụng Hiệp nói riêng và Hậu Giang nói chung”.
Cũng với trăn trở muốn làm một điều gì đó để cải thiện giá trị mặt hàng nông sản của địa phương mà cách đây hơn 3 năm chị Nguyễn Thị Hồng Đoan, ở thị trấn Cây Dương, đã mạnh dạn khởi nghiệp trên chính sản phẩm mãng cầu xiêm của gia đình. Theo chị Đoan, do thấy cha mẹ cực khổ chăm bón cho vườn mãng cầu nhưng đến vụ thu hoạch liên tục gặp cảnh trúng mùa rớt giá nên đã nảy ra ý định làm trà từ trái mãng cầu.
Khác với những cơ sở trên địa bàn, trà mãng cầu của chị Đoan được đầu tư bài bản từ quy trình sản xuất, cách thức bảo quản, bao bì sản phẩm được thiết kế bắt mắt. Đặc biệt là câu chuyện về công dụng trị mất ngủ từ trà mãng cầu được chị Đoan truyền tải qua sản phẩm đã thu hút được người tiêu dùng. Tính đến nay, sau hơn 3 năm khởi nghiệp, trà mãng cầu xiêm Hồng Đoan đang được thị trường chấp nhận với doanh số bán ra hơn 300kg trà mãng cầu xiêm mỗi tháng. Để đủ nguồn nguyên liệu sản xuất trà, chị Đoan còn tổ chức thu mua mãng cầu của bà con trong xóm và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương. Chưa kể, cơ sở của chị Đoan đang trong quá trình sản xuất, chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm trà tâm sen, một loại nông sản phổ biến ở vùng đất Phụng Hiệp.
Chị Hồng Đoan cho biết thêm: “Xuất phát từ ý tưởng là ở nhà cũng trồng cây mãng cầu nhưng tới vụ thu hoạch giá cả thường bấp bênh, thương lái ép giá nên bản thân muốn phát triển thêm về sản phẩm liên quan tới trái mãng cầu. Để nông sản này có thể phát triển ổn định ở địa phương, hạn chế tình trạng trồng rồi chặt, ngoài sản phẩm trà mãng cầu thì cơ sở cũng chuẩn bị cho ra thị trường sản phẩm trà tâm sen, đây là sản phẩm hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, tốt cho sức khỏe”.
Để tiếp sức cho những ý tưởng của thanh niên đã được cụ thể hóa bằng những mô hình làm ăn có hiệu quả, thời gian qua, các cơ sở đoàn trong huyện Phụng Hiệp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp. Theo thống kê, trong khoảng 5 năm qua đã có hơn 100 đoàn viên thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay, tùy vào quy mô thực hiện, mỗi mô hình được vay từ 20-100 triệu đồng để khởi nghiệp. Qua thống kê của Huyện đoàn Phụng Hiệp, trong các trường hợp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay đến nay đã có 60 mô hình, 15 câu lạc bộ phát triển kinh tế cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm.
Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Cường, ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, gia đình có 15 công cam sành nhưng cho hiệu quả kinh tế thấp. Cách đây 6 năm, anh Cường được Xã đoàn vận động chuyển đổi trước 5 công cam sành sang trồng sầu riêng. Vụ vừa rồi sầu riêng của gia đình anh cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Giữa năm rồi, anh Cường tiếp tục chuyển đổi thêm 10 công còn lại sang trồng sầu riêng. Đồng thời anh còn được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên trồng sầu riêng ấp Tân Thành với 19 thành viên, sản xuất hơn 60ha sầu riêng.
Anh Cường cho biết: “Cũng nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp mà thanh niên ở ấp Tân Thành từng bước xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả. Sau khi thành lập, câu lạc bộ được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng để giúp các thành viên mua cây giống sầu riêng để chuyển đổi. Định kỳ 3 tháng câu lạc bộ sinh hoạt một lần để trao đổi kỹ thuật trong quá trình sản xuất”.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân huyện tích cực hỗ trợ cho các chủ thể, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp trên chính sản phẩm hay ngành nghề của địa phương. Nhất là thông qua việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, các bước đăng ký xây dựng nhãn hiệu hay thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP.
Mỗi người một cách làm, hướng đi riêng, nhưng nhìn chung các mô hình thanh niên khởi nghiệp ở huyện Phụng Hiệp đều gắn kết với các nông sản và thế mạnh của địa phương mình. Qua đó, vừa cải thiện kinh tế gia đình vừa thúc đẩy cho địa phương phát triển.
Tác giả bài viết: https://www.baohaugiang.com.vn/lao-dong-viec-lam/khoi-nghiep-tu-the-manh-cua-dia-phuong-118426.html
Ý kiến bạn đọc