CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CHỢ TOÀN CẦUhttps://chotoancau.vn/uploads/2_2.png
Thứ tư - 14/12/2022 02:404930
Huyện Tràng Định, Lạng Sơn không chỉ được biết đến là vùng đất có cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, phong tục tập quán đặc sắc mà nơi đây còn thu hút du khách thập phương bởi những nét văn hoá độc đáo, trong đó phải kể đến văn hoá chợ phiên tại xã Quốc Khánh.
Lưu giữ văn hoá chợ phiên
Chợ Long Thịnh, xã Quốc Khánh rộng hơn 4.000 m2, là một trong ba ngôi chợ lớn thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Chợ Long Thịnh ra đời cùng sự thành lập làng xã của cư dân. Từ khi thành lập cho tới nay, trải qua những thăng trầm thay đổi của mảnh đất Tràng Định, chợ vẫn như thuở ban đầu, vẫn tấp nập kẻ bán người mua, vẫn xởi lởi và dung dị như thế.
Toạ lạc tại vùng biên giới Tổ quốc, gần cửa khẩu Nà Nưa thông thương với nước bạn Trung Quốc, trong suốt quá trình giao lưu văn hoá, hợp tác giao thương, xã Quốc Khánh và địa phương bên kia biên giới đã hình thành mối liên kết hữu nghị bền chặt, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán. Xã Quốc Khánh cũng là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc anh em Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao,… Chính vì vậy, chợ Long Thịnh từ lâu đã không chỉ là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, phong tục, tập quán đậm đà bản sắc, được đồng bào gìn giữ, bảo tồn qua thời gian. Đến nay, chợ Long Thịnh vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc, thường cứ 5 ngày thì có 1 phiên. Chợ phiên Long Thịnh lưu giữ những nét bản sắc truyền thống, kéo gần khoảng cách giữa đồng bào dân tộc địa phương cũng như khách thập phương ghé đến nơi đây.
Tích cực thay đổi
Văn hoá chợ phiên luôn là một nét đẹp, nét đẹp ấy sẽ không cũ đi, nhưng cơ sở vật chất thì có. Trước khi được xây mới, chợ phiên Long Thịnh bị đánh giá là xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo các yêu cầu cơ bản về điện, nước, an toàn giao thông, vệ sinh,… Điều đó đã gây ra nhiều bất cập cho hoạt động kinh doanh, mua sắm và giao thương của người dân, làm giảm tiềm năng khai thác du lịch địa phương.
Rõ ràng, giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống là cần thiết nhưng phải gắn với đảm bảo mỹ quan đô thị và tạo ra giá trị kinh tế để thúc đẩy xã hội phát triển. Nắm bắt được điều đó, Công ty CP Đầu tư và phát triển chợ Quốc Khánh đã quyết tâm đầu tư, xây dựng, khai thác chợ Long Thịnh theo hướng hiện đại hoá, biến chợ Long Thịnh từ một chợ phiên truyền thống trở thành khu chợ hiện đại, khang trang mà vẫn giữ được cốt lõi giá trị văn hoá. Chợ Long Thịnh được Công ty CP Đầu tư và Phát triển chợ Quốc Khánh xây dựng với quy mô chợ hạng 3, có đầy đủ hệ thống kiot, nhà lồng chợ, nhà ban quản lý, khu vệ sinh, bãi đỗ xe và hệ thống đường giao thông nội bộ. Đến nay, chợ Long Thịnh đã hoàn thiện khu vực nhà lồng chợ và chính thức đưa bà con tiểu thương lên kinh doanh, buôn bán. Khu vực kiot chợ cũng sẽ nhanh chóng hoàn thành trong thời gian tới.
Kể từ khi nhà lồng chợ chính thức đi vào hoạt động, bà con tiểu thương vô cùng vui mừng bởi khu chợ khang trang, thuận tiện mua bán không còn chỉ là mong muốn mà đã trở thành hiện thực. “Trước đây mưa gió khổ lắm, nước mưa có khi theo sườn dốc chảy như suối. Rồi không có kiot quầy kệ gì, muốn bán hàng thì phải dọn hàng từ sớm, có hôm dọn từ lúc trời còn chưa sáng đến lúc bà con đi chợ vẫn chưa dọn xong. Ngày hai cữ dọn hàng như thế mệt lắm. Từ ngày Công ty Quốc Khánh đến xây dựng chợ mới chúng tôi có chỗ bán hàng kiên cố, đỡ vất vả hơn nhiều” – tiểu thương chợ Long Thịnh phấn khởi chia sẻ.
Nhiều tiểu thương cũng cho hay từ khi có khu nhà lồng khang trang, cao ráo, hoạt động buôn bán trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, các vấn đề thời tiết và an toàn vệ sinh, an toàn giao thông cũng không còn là điều đáng lo ngại. Đặc biệt, nếu trước đây người dân đến chợ Long Thịnh chủ yếu chỉ tập trung vào hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá thì nay nhiều người tới chợ còn là để đi chơi, vãn cảnh, ngắm chợ và thưởng thức ẩm thực tại gian hàng ăn uống.
Vừa nhộn nhịp vừa đông vui, chợ Long Thịnh “thay da đổi thịt” theo hướng hiện đại mà vẫn không làm mất đi cái hồn của chợ phiên truyền thống và ngày càng thể hiện rõ tiềm năng khai thác du lịch, quảng bá văn hoá địa phương.
Kiến tạo tương lai
Dù ở thời nào, với quy mô và phương hướng hoạt động nào, chợ phiên luôn có đóng góp quan trọng trong cuộc sống của cư dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là với những vùng biên cương Tổ quốc như xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Tuy nhiên, chợ muốn phát triển phải có sự tổng hoà của các yếu tố văn hoá - xã hội và kinh tế địa phương. Về văn hoá - xã hội, chợ phiên đã thể hiện rất tốt vai trò lưu giữ và truyền thừa nhưng lại chưa thật sự có thế mạnh về kinh tế do mô hình kinh doanh còn nhỏ lẻ, không ổn định. Hoà cùng dòng chảy của sự phát triển bền vững, chợ Long Thịnh hướng tới mục tiêu dần chuyển đổi hình thức chợ phiên sang kinh doanh ổn định, thường xuyên, đáp ứng nhu cầu mua bán, du lịch ngày càng cao của nhân dân và khách thập phương.
Trong tương lai, với quy mô mới, hình thức kinh doanh mới, chợ Long Thịnh được kỳ vọng sẽ phát huy được nhiều khả năng và thế mạnh, không chỉ là một ngôi chợ với các hoạt động mua bán điển hình mà còn là điểm thu hút du khách đến tham quan, mua sắm.