Chợ truyền thống vẫn hấp dẫn du khách

Chủ nhật - 18/12/2022 21:14 303 0
Chợ truyền thống trở thành nơi trải nghiệm không thể thiếu đối với khách du lịch quốc tế. Sức hút của những khu chợ truyền thống với khách nước ngoài chính là nét văn hóa của người bản địa.

Tại đây, khách du lịch nước ngoài có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, bản sắc, lối sống của người dân, giao lưu ngôn ngữ và trải nghiệm mua sắm các mặt hàng đa dạng. Các hàng hóa đặc sản Việt Nam như bánh kẹo, trái cây sấy, cà phê... và các hàng thủ công lưu niệm như gốm sứ, túi xách... cũng được khách quốc tế quan tâm và mua nhiều.

-5381-1660118810.jpg
Khách nước ngoài tham quan các sạp hàng lưu niệm

TS- KTS. Ngô Viết Nam Sơn khẳng định, nếu suy nghĩ chợ đã lạc hậu là sai lầm. “Mỗi thể loại thương nghiệp sẽ phù hợp với một hình thái khác nhau. Khi phát triển lên cao tầng, chúng ta mới muốn phát triển từ chợ lên siêu thị (đường lớn dành cho ô tô), không hợp với những đô thị cũ (đường nhỏ dành cho xe ngựa). Ở châu  Âu, thậm chí là ở Mỹ thường xây khu đô thị mới ở nơi khác, khu đô thị cũ thì sẽ bảo tồn và duy tu. Những chợ truyền thống được họ giữ lại rất nhiều và đó mới là nơi hấp dẫn khách du lịch”.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, trước năm 2019, mỗi tuần Saigontourist đón từ 2-3 chuyến tàu biển quốc tế với số lượng từ 2.000-3.000 khách, chưa tính các đoàn khách theo đường hàng không. Mức chi tiêu tùy theo quốc tịch khách, trung bình 100-300 USD/khách. 

Để thu hút du khách, ban quản lý và tiểu thương các chợ đã cố gắng thay đổi, sửa chữa quầy sạp, tạo sự khang trang và đã tham gia các chương trình của Sở Du lịch và UBND TP.HCM, như chương trình “TP.HCM đón chào bạn” từ ngày 23/3 - 23/9/2022, các chương trình chào Hhè như khuyến mãi tập trung - mùa mua sắm “Shopping Season” trên địa bàn TP.HCM... 

Mặc dù, các khu chợ đang nỗ lực để níu chân khách du lịch, nhưng theo ông Ngọc Toản - Giám đốc IMAGE Travel & Events, các chợ truyền thống vẫn phải thay đổi về không gian và lối di chuyển, nghỉ ngơi. Nếu so sánh với một khu chợ ở Thái Lan, không gian ở các chợ của Thái Lan thoáng, sạch sẽ, có điểm ăn uống đặc sản, có nhiều cửa hàng bán các loại quà lưu niệm đa dạng, có nhiều dịch vụ, tiện ích khác, du khách có thể tự do ăn uống và mua sắm liên tục trong 4 giờ đồng hồ mà không chán. Bên cạnh đó, du khách thường tham quan chợ Việt Nam trong khoảng từ 1-2 giờ thì rời đi, do các khu chợ còn nhỏ và thiếu nhiều loại hình dịch vụ mới mẻ giữ chân khách. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên luôn luôn phải nhắc nhở về móc túi, lừa đảo, chặt chém... để đảm bảo an toàn cho du khách.

Theo tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu: “Bảo tồn chợ truyền thống không đơn giản chỉ là bảo tồn vật chất, mà đó là bảo tồn ký ức, từ việc bảo toàn nguyên vẹn về địa điểm nơi chốn, sau đó là bảo toàn giá trị văn hóa qua sản phẩm và ứng xử trong mua bán. Và trước hết, nó phải được bắt đầu từ các nhà quản lý và quy hoạch đô thị”.

Với quỹ di sản kiến trúc đô thị, chính quyền cần kết hợp giữa việc bảo tồn vật chất và bảo tồn ý thức. Bên cạnh việc ban hành những quy chế đặc thù về quản lý, quy hoạch, khai thác những di sản chợ truyền thống có giá trị thành những địa điểm tham quan lịch sử, chính quyền thành phố cần kết hợp tổ chức những hoạt động trải nghiệm văn hóa như mô phỏng chợ xưa, tái hiện lại những lễ hội văn hóa, loại hình nghệ thuật truyền thống, quy hoạch tập trung các xưởng, làng nghề chế tạo đồ thủ công truyền thống để khách du lịch tham quan và trải nghiệm... 

Để tăng sức mua của du khách, bên cạnh những không gian truyền thống, vẫn cần có những trung tâm mua sắm dành riêng cho khách quốc tế - nơi chuyên buôn bán các mặt hàng cao cấp và các dịch vụ công nghệ tiện lợi, có đa dạng loại hình du lịch giải trí (các trò chơi, hoạt động thể thao khám phá thiên nhiên; các loại hình du lịch tâm linh; du lịch trị liệu...) đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, có sự trợ giá thuế, các dịch vụ di chuyển, lưu trú, ăn uống... 

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng: “Ở nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... họ đồng thời phát triển các thành phố hiện đại mà hoàn toàn không bỏ rơi các ngôi chợ truyền thống. Họ chỉnh trang cảnh quan chợ, sắp xếp cấu trúc chợ sao cho đạt các tiêu chí của mỹ thuật không gian đô thị và phát huy giá trị kinh tế - văn hóa của chúng. Một đô thị văn minh hiện đại là một đô thị phát triển hài hòa giữa quảng trường, các tòa nhà cao tầng, các dãy phố hiện đại xen lẫn với các công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa truyền thống, các thiết chế tín ngưỡng - tâm linh và các công viên công cộng. Đó chính là cách tạo dựng và phát triển dấu ấn, tính độc đáo và đặc thù riêng của từng thành phố, yếu tố làm cho các thành phố dù hiện đại đến mấy cũng rất khác nhau”. 

Song quan trọng nhất vẫn là chất lượng dịch vụ, làm sao để thể hiện ra được truyền thống thân thiện, hiếu khách của người Việt. Như các nhân viên Nhật Bản, Đài Loan... luôn tươi cười và tận tình hỗ trợ du khách. Dịch vụ của Việt Nam cũng cần phải nỗ lực giống như vậy để thu hút và giữ chân khách, đồng thời cũng phải biết khai thác đúng tiềm năng và ưu thế của chợ truyền thống để phát huy được hết giá trị của nó. 

Tác giả bài viết: https://doanhnhansaigon.vn/du-lich/cho-truyen-thong-van-hap-dan-du-khach-1112469.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây