Không chỉ có vải thiều mới làm nên tên tuổi của vùng đất Lục Ngạn mà từ nhiều năm nay sản phẩm mỳ chũ cũng vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi người con quê hương Lục Ngạn. Món ăn dân dã thôn quê ấy dần trở nên phổ biến trong mọi bữa ăn của mỗi gia đình cũng như ngày càng xuất hiện nhiều tại nhà hàng cao cấp.
Hiện nay, mỳ chũ không chỉ được người tiêu dùng các tỉnh trong cả nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và các nước ASEAN….
Với những thành quả đó, đặc sản mỳ chũ được Bộ Công thương bình chọn, công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2014 và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.
Hiện ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng mỳ chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. Điều khác biệt ở đây chính là mạch nguồn nước ngầm trong lành của vùng quê cùng với đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm hơn 60 năm của một làng nghề truyền thống và cả những nguyên liệu đặc sản gạo quê của vùng núi Lục Ngạn đã tạo nên thương hiệu mỳ chũ hôm nay.
Với điều kiện tự nhiên, diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, khoảng 600 km2, Lục Ngạn là mảnh đất không những có thổ nhưỡng, khí hậu mát, ôn hòa, mà còn là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng, từ đó hình thành nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét riêng của Lục Ngạn.
Ngoài ra, huyện Lục Ngạn còn có 03 làng nghề truyền thống với có nhiều sản phẩm đặc trưng như: mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo nếp… là những điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển kinh tế cũng như du lịch sinh thái cộng đồng.
Mỳ gạo được sản xuất tại nhiều nơi, nhưng hiện chỉ có sản phẩm mỳ chũ Lục Ngạn xây dựng được thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Địa phương sản xuất mỳ chũ nhiều nhất là làng Thủ Dương (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn). Cội nguồn của đặc sản mỳ chũ chính là từ nguyên liệu gạo bao thai của vùng Lục Ngạn, nguồn nước trong lành của vùng quê bên bờ sông Lục, cùng với đó là sự cần cù sáng tạo của những người thợ và phương pháp quy trình làm nghề truyền thống trong suốt hơn 60 năm qua.
Đặc biệt, để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, bà con Lục Ngan còn sáng tạo đưa thị trường ra các sản phẩm mỳ chũ rau, củ, quả được nhiều khách hàng lựa chọn.
Được sản xuất bằng phương pháp gia truyền nên dù không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàng the… nhưng mỳ chũ nơi đây vẫn có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon hơn nhiều loại mỳ khác. Tất cả đó là sự kết tinh hương vị và mang đậm hồn quê vùng núi đồi Lục Ngạn.
Những năm gần đây, người dân làng nghề đã có nhiều cố gắng trong cải tiến mẫu mã, áp dụng máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất. Nhiều hộ sản xuất đã thay thế lò đốt than, củi tráng bánh bằng lò gas, tạo ra sản lượng tăng gấp 3 lần so với lò than, củi, lại hạn chế bụi bẩn, ô nhiễm.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP, từ năm 2018, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tổng thể các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, có thế mạnh trên địa bàn huyện.
Các sản vật, đặc sản của địa phương khá là đa dạng, đặc biệt là vải thiều, mỳ Chũ, cam, bưởi…. Ngoài ra, huyện Lục Ngạn còn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng.
“Cùng với việc phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện Lục Ngạn chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp các công trình hiện có phục vụ phát triển du lịch. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thành lập các hợp tác xã du lịch cộng đồng để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân” – Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm.
Tác giả bài viết: https://danviet.vn/ocop-bac-giang-my-chu-co-gi-dac-biet-ma-lai-xuat-hien-nhieu-tai-nha-hang-cao-cap-20221212105504124.htm
Ý kiến bạn đọc