Theo báo cáo của UBND huyện Phú Giáo về tình hình hoạt động và công tác quản lý chợ truyền thống trên địa bàn, hiện toàn huyện có 7 chợ trong quy hoạch, trong đó có 1 chợ hạng 2 (chợ Phước Vĩnh) và 6 chợ hạng 3 (Phước Hòa A, Phước Hòa B, An Linh, Tân Long, An Bình và Tân Hiệp). Hầu hết các chợ trên địa bàn huyện được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách (riêng chợ Phước Hòa B do tư nhân đầu tư).
Việc bố trí, sắp xếp tại các vị trí hợp lý trong chợ gặp khó khăn do thói quen của các hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Tình trạng một số hộ kinh doanh bên trong tràn ra phía ngoài, tận dụng các vỉa hè hoặc thuê mướn mặt trước các nhà để kinh doanh gây thiếu mỹ quan, ảnh hưởng đến trật tự, vệ sinh môi trường khu vực quanh chợ gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Cơ sở vật chất của một số chợ xuống cấp, không đồng bộ, diện tích xây dựng nhỏ, lối đi hẹp không đủ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.
Đối với các chợ do Nhà nước quản lý, các nguồn thu trong phạm vi chợ nộp vào ngân sách phục vụ chủ yếu cho yêu cầu chi thường xuyên, trả lương cho bộ máy quản lý chợ, không dành cho việc tái đầu tư. Việc đầu tư nâng cấp không có kế hoạch mang tính lâu dài mà chỉ thực hiện sửa chữa nhỏ, chắp vá. Một số chợ đã được đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả vì không có người vào kinh doanh, gây lãng phí (chợ An Bình, chợ Tân Hiệp). Nguyên nhân chủ yếu là do việc quy hoạch vị trí chợ không phù hợp, không thuận tiện cho người mua, người bán…
Xác định việc đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ sẽ góp phần tích cực thúc đẩy thương mại - dịch vụ của địa phương, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 huyện Phú Giáo đề xuất đầu tư xây dựng mới 7 chợ và cải tạo, nâng cấp 2 chợ An Linh và Tân Hiệp. UBND huyện kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể cho địa phương về quy trình thực hiện các bước trong công tác đầu tư xã hội hóa chợ trên địa bàn huyện.
Tác giả bài viết: https://baobinhduong.vn/cho-nong-thon-can-nguon-luc-dau-tu-a290138.html
Ý kiến bạn đọc