Quận Hà Đông (Hà Nội): Sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu OCOP

Thứ hai - 13/02/2023 22:09 247 0
Nằm ven bên bờ sông Đáy, bao đời nay, người dân các phường Đồng Mai, Yên Nghĩa… (Hà Đông, Hà Nội) vẫn cần mẫn, chịu khó gieo trồng các loại rau màu để cung cấp cho người dân trong khu vực. Đây được xem là “vựa” rau, củ, quả của quận Hà Đông. Đặc biệt, các sản phẩm rau, củ của các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng dần được đánh giá, phân loại và công nhận OCOP, góp phần nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Khẳng định chất lượng, thương hiệu rau an toàn Đồng Hoàng

Trước nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả ngày càng tăng cao, cùng với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng các loại nông sản, các hộ dân tại Phường Đồng Mai đã tập hợp lại thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng. Tùy theo mùa vụ, tổ hợp tác chuyên trồng các loại rau như cải ngồng, cải bắp, su hào, cà chua, súp lơ,… với sản lượng ước tính khoảng trên 270 tấn rau củ mỗi năm.

Hiện tổ hợp tác sản xuất có 37 hộ thành viên với diện tích canh tác hơn 1,7 Ha. Năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng đã vinh dự được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận OCOP 3 sao cho 4 sản phẩm là: Su hào, cải ngồng, cải mơ và bắp cải.

Quận Hà Đông: Sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu OCOP
Sản phẩm rau bắp cải của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng đã vinh dự được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận OCOP 3

Ông Trần Văn Thạch, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng chia sẻ: Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn luôn được sự ủng hộ nhiệt thành của các thành viên nên trong quá trình hình thành và phát triển khá thuận lợi, diện tích canh tác được mở rộng.

Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng các loại rau, củ quả, bà con Nhân dân trong tổ hợp tác đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động. Các công đoạn làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại. Đặc biệt, các hộ dân nơi đây đều nói không với các loại hóa chất độc hại trong việc chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Hiện tại, các sản phẩm rau an toàn của tổ hợp tác đều được thương lái đến mua tận ruộng, ngoài ra, tổ hợp tác cũng phối hợp với đoàn thanh niên của phường Đồng Mai mở các kênh phân phối, tiêu thụ rau trong khu vực nội thành Hà Nội. Các sản phẩm rau, củ của tổ hợp tác được thu hoạch và tiêu thụ trong ngày nên đảm bảo về độ tươi ngon, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó, các sản phẩm rau của tổ hợp tác được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng lâu dài.

Quận Hà Đông: Sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu OCOP
Người dân phường Đồng Mai chăm sóc cây cà chua

Từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con

Cùng với Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng, Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Hòa Bình là “vựa” cung cấp rau truyền thống ở quận Hà Đông (Hà Nội). Đến nay, hợp tác xã thu hút 500 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 53,8ha, riêng rau vụ xuân 22ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ hướng canh tác an toàn, năm 2021, Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm là rau cải ngọt, rau muống và rau dền được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Trịnh Văn Vĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Hoà Bình cho biết: “Năm 2008, xuất phát từ vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của các thành viên, để cứu sống “vựa” rau chủ lực của địa phương, hợp tác xã đã triển khai mô hình rau an toàn trên toàn diện tích sản xuất”.

Ban đầu, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, từ khâu tổ chức chỉ đạo nông dân sản xuất, đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, nhờ sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Ban giám đốc và thành viên nên hợp tác xã đã từng bước tạo được niềm tin với người tiêu dùng trên thị trường Hà Nội.

Quận Hà Đông: Sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu OCOP
Sản phẩm rau muống của Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Hòa Bình được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Việc chuyển hướng canh tác mới đã thay đổi tư duy sản xuất của các thành viên, từ đó vùng trồng rau an toàn của hợp tác xã Hòa Bình cũng hạn chế được sâu bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Hiện, Hợp tác xã Hòa Bình sản xuất các loại rau, củ, quả như: Súp lơ, bắp cải, su hào, ngót, cải các loại, dền, cà chua, bầu, bí, mướp…, cung cấp ra thị trường khoảng 640 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.

Quá trình sản xuất, bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn, phun thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly, ghi chép nhật ký thường xuyên. Hiện, Hợp tác xã thu mua khoảng 60 – 70% lượng rau của các thành viên, đối với rau VietGAP sẽ có giá cao hơn rau thường 1.000 đồng/kg”.

Hằng năm, hợp tác xã liên kết với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Hà Đông tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho 100% thành viên. Nhờ vậy, sản phẩm rau của hợp tác xã đạt chất lượng an toàn, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Có thể thấy rằng, mặc dù là quận nội thành, song bên cạnh việc tập trung phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, công nghiệp sạch Hà Đông vẫn còn nhiều hoạt động sản xuất nông nghiêp, tiểu thủ công ngiệp, vì vậy cũng có nhiều lợi thế trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP. Quận Hà Đông cũng kỳ vọng đáp ứng được yêu cầu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tác giả bài viết: https://tuoitrethudo.com.vn/quan-ha-dong-san-xuat-rau-an-toan-gan-voi-xay-dung-thuong-hieu-ocop-217344.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây