Đến sáng 14/2, tại hiện trường cho thấy, tinh thần của hàng trăm tiểu thương suy sụp, như “chết đứng”. Có người vẫn ôm mặt nức nở khóc vì nghĩ tới số tiền quá lớn vừa bỏ ra nhập hàng chưa kịp bán. Bên trong chợ, hàng hóa chất đống đã trở thành phế liệu...
Một đêm thành tay trắng
Vào sáng 14/2, chợ Tam Bạc vẫn còn ám mùi khói. Khắp các lối dẫn vào khu vực chính của chợ, lực lượng chức năng đặt rào chắn, hạn chế người không liên quan ra vào khu vực để bảo vệ hiện trường, phục vụ công tác điều tra.
Tại điểm gửi xe của Ban quản lý chợ Tam Bạc phía đường Tôn Thất Thuyết, hàng trăm tiểu thương đứng ngồi vật vã, nước mắt lưng tròng, cầm tờ giấy điền theo mẫu kê khai thiệt hại của gian hàng mình, gửi về chính quyền quận Hồng Bàng để chuẩn bị cho việc nhận hỗ trợ.
Chị Phạm Thị Thu Hà có mẹ kinh doanh tại cửa hàng 303 chợ Tam Bạc, gia đình có 3 quầy quần áo vừa khóc vừa chia sẻ: “Gia đình vừa nhập hàng ngày 9/2, cả nhà chỉ nhìn vào cửa hàng để sống, bây giờ cháy hết, trắng tay rồi, cả sổ ghi nợ. Đề nghị chính quyền điều tra làm rõ trách nhiệm, tổ chức, cá nhân có liên quan. Xem xét nhanh chóng hỗ trợ cho bà con và xây dựng lại chợ để bà con bảo đảm cuộc sống”.
Tiểu thương Phạm Thu Huyền có 2 quầy bán quần áo ở gian hàng 183 và 184 sụt sùi kể: "Ở đây chủ yếu bán theo mùa, thời vụ nên cách đây vài ngày, hầu hết các tiểu thương đều nhập hàng mới, chuẩn bị bán cho dịp 8/3 và dịp hè. Số lượng hàng thì lớn, người thì 500 triệu, người tới 2-3 tỷ đồng theo từng quy mô kinh doanh. Như bản thân tôi, tổng thiệt hại tiền hàng khoảng 500 triệu. Giờ chợ cháy, hoàn toàn trắng tay vì mất hết vốn, không còn nguồn kiếm cơm hàng ngày vì còn phải chờ chợ xây lại...".
Cũng theo chị Huyền, việc quản lý nguồn điện trong các gian hàng ở chợ này rất chặt chẽ. Thường mùa đông, Ban quản lý (BQL) chợ sẽ mở cửa lúc 6h30 và bật đèn cho các chủ tiệm tới dọn hàng. Đến 19h, trước khi các chủ quầy về đều phải đóng nguồn điện của gian hàng mình. Sau đó, BQL sẽ cắt điện tổng của cả chợ để phòng cháy nổ do chập điện; chỉ duy nhất điện chiếu sáng của BQL phải duy trì để họ làm việc. Hàng năm, chợ có tập huấn về phòng chống cháy nổ cho các tiểu thương để nâng cao ý thức phòng cháy trong chợ. Ngay như khách đến mua hàng có lỡ hút thuốc lá cũng được yêu cầu dập lửa; còn thắp hương thì tuyệt đối cấm 100%.
"Sự cố cháy chợ lần này khiến chúng em vô cùng thiệt hại. Giờ chỉ mong chợ sớm khôi phục lại, miễn giảm thuế phí trong một thời gian nhất định để chúng em có cơ hội kinh doanh, trả bớt nợ và hồi phục kinh tế", chị bày tỏ.
Theo chia sẻ của những tiểu thương kinh doanh tại chợ Tam Bạc, hầu hết các chủ hàng đều mới nhập hàng về bán, có người vừa nhập về được một hôm chưa kịp bóc hàng ra bán, có người đi vay mượn vì buôn lớn, số tiền thiệt hại lên tới 4-5 tỷ đồng; có người hoàn cảnh éo le, vợ phải đi lao động xa nhà, chồng mắc bệnh K ở lại buôn bán một sạp vải kiếm tiền nuôi con, dưỡng bệnh, nay rơi vào trắng tay khóc không nổi vì quá sốc, có người cả gia đình có bao vốn liếng đều dồn vào sạp hàng trong chợ kiếm lời nuôi gia đình...
Chợ có 2 tầng, tầng 1 để bày bán hàng kinh doanh, tầng 2 là kho chứa đồ. Mỗi chủ sở hữu ít nhất 1 sạp hàng, có người 4-5 sạp, vài kho chứa hàng. Hàng bán trong chợ từ trước tới nay chủ yếu vẫn là vải, quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện may mặc và cả vàng mã. Hàng tháng, ngoài các khoản thuế phí, các tiểu thương cũng phải đóng tiền an ninh cháy nổ cho BQL chợ để phục vụ công tác phòng chữa cháy trong chợ, người ít thì khoảng 200 nghìn, người nhiều thì 400, 500 nghìn (tùy theo diện tích quầy, vị trí quầy)...
Cần điều chỉnh từ cơ chế
Đại diện lãnh đạo quận Hồng Bàng cho biết: "Chợ Đổ hiện có tổng số 775 gian hàng kinh doanh, trong đó số bị thiệt hại là 665. Riêng khu vực quầy hàng mã phần lớn không bị cháy mà bị hư hại do ngấm nước. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận đang tổ chức để bà con tiểu thương khai báo loại hàng, số gian hàng, mức độ thiệt hại, hoàn cảnh từng gia đình. Trên cơ sở đó, ngân sách sẽ hỗ trợ phù hợp cho từng gia đình.
Qua vụ cháy chợ Tam Bạc, vị đại diện UBND quận Hồng Bàng cũng trăn trở: Theo Nghị định 02/2003 ngày 14/1/2003 về việc phát triển và quản lý chợ loại 1 thì việc thành lập chợ phải do một công ty đứng ra đầu tư và quản lý. Nhà nước không bỏ tiền ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là cơ chế đấu giá, đấu thầu đất chưa có hướng dẫn, kéo theo đó là giá thuê mặt bằng, giá thuê từng quầy hàng cũng gặp khó. Trong khi để đạt yêu cầu theo Nghị định 02 thì phải thành lập Trung tâm thương mại. Như vậy, giá thuê sẽ rất cao, bà con tiểu thương không chịu nổi nên nhà đầu tư sẽ chỉ đầu tư, sửa chữa “chắp vá” hạ tầng, không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, bởi thu không đủ chi. Gần đây, BQL chợ Tam Bạc mới bị cơ quan chức năng phạt 70 triệu đồng, chưa kịp khắc phục thì chợ đã bị cháy.
Vị này cũng cảnh báo: Không riêng gì chợ Tam Bạc, mà chợ An Dương, chợ Ga... cũng trong tình trạng như vậy, đều là chợ loại 1, đều phải hoạt động trong cơ chế đó, nguy cơ cháy nổ cũng rất cao.
Tác giả bài viết: https://vnbusiness.vn/an-sinh/noi-dau-va-su-tran-tro-sau-vu-chay-cho-tam-bac-1090776.html
Ý kiến bạn đọc