OCOP – Chìa khóa xuất khẩu bền vững

Thứ năm - 16/02/2023 02:44 199 0
Nông sản trong tỉnh Hậu Giang đã và đang đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường, ngay cả những thị trường nhập khẩu khó tính. Đây là kết quả của việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của những nông dân thời hội nhập.
Nhờ vào chất lượng mà nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Thay đổi

Nếu như trước kia, bưởi, chanh, xoài, nhãn… nông dân trong tỉnh sản xuất ra chỉ tiêu thụ nội địa thì nay đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tính riêng năm ngoái, HTX đưa ra thị trường khoảng 2.500 tấn nông sản các loại, mục tiêu sắp tới là 3.500 tấn/năm. Trong đó, nguồn hàng trong tỉnh khoảng 70-75%. Số lượng đã được thay vào chất lượng, giá cả vì thế cũng được nâng lên mà quan trọng nhất khi áp dụng theo các quy trình sản xuất mới, có kỹ sư hướng dẫn trực tiếp, sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá luôn cao hơn ngoài thị trường nên nông dân an tâm. Từ vài hộ dân tham gia liên kết, đến nay HTX có 160 thành viên.

Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, cho biết: Những thị trường xuất khẩu dĩ nhiên là chất lượng quan trọng hơn rồi. Chất lượng sẽ quyết định số lượng, nhất là những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Trung Quốc. Các tiêu chuẩn về GlobalGAP, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kim loại nặng… Lô hàng cho dù 10kg hay 100 tấn nếu không đạt sẽ không nhận, hủy hết.

Ông Trần Bá Sơn đưa ra dẫn chứng: “Ví dụ mình định hướng doanh nghiệp của mình xuất khẩu vào thị trường EU thì phải nắm rõ các quy định về mặt chất lượng, dư lượng, các tiêu chuẩn khi muốn xuất vào đó rồi mình mới quay lại hướng dẫn cho người nông dân làm theo, khi làm đạt rồi mới bao tiêu, thu mua, xuất khẩu”.

Ngoài ra, theo ông Sơn, có một bộ phận nông dân cũng lo ngại giá giảm, nôn nóng bán cũng có thể thu hoạch sớm. Tuy nhiên, HTX có hệ thống kỹ sư để hướng dẫn và khuyên người nông dân thu hoạch nông sản đúng thời điểm để đảm bảo được chất lượng. Bởi quan trọng là chữ tín và có ràng buộc trong các hợp đồng, khi không tuân thủ thì HTX không thu mua.

Tri thức hóa nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp chính là giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với tư duy mới cho nông dân. Nhận thức rõ điều này, những nông dân trong tỉnh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Tiêu biểu như ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, một trong 2 nông dân của tỉnh được Trung ương chứng nhận đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.

Có 35 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, trong đó 15 năm trồng xuất khẩu, hơn ai hết, ông Sáu hiểu rõ yêu cầu thị trường ngày càng cao, nông dân phải mạnh dạn thay đổi, sản xuất sạch, an toàn mới được thị trường đón nhận lâu dài. Ông Sáu bộc bạch: “Nông dân nào chịu tìm tòi, học hỏi thì mới thành công. Tôi tiếp cận nhà khoa học và tự tìm tòi, học hỏi thành ra mới được như ngày hôm nay. Trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP cây vừa khỏe mà cơm sầu riêng rất đạt. Ngoài ra, đã làm thủ tục, đang chờ cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính”.

Áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ

Khoa học kỹ thuật và đặc biệt là công nghệ cao là chìa khóa để tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Trong xây dựng mô hình canh tác về nông nghiệp để chuyển giao đến người nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến những mô hình ứng dụng công nghệ, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn và gắn với truy xuất nguồn gốc, liên kết bao tiêu đầu ra hướng tới phục vụ tốt cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định sản xuất nông nghiệp, hướng tới sự bền vững.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện theo mã số vùng trồng, ứng dụng truy suất nguồn gốc, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình và mang lại hiệu quả. Hiện các nước nhập khẩu đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là những tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo những tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn GlobalGAP, OCOP hay các tiêu chuẩn về hữu cơ hoặc những tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường của nước đó. Do đó, trong sản xuất, người dân phải gắn với doanh nghiệp để sản phẩm làm ra đạt theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, nguyên Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, chia sẻ: “Trước đây chúng ta chú trọng về lượng, bây giờ chúng ta chú trọng về chất. Trước kia chúng ta cạnh tranh bằng giá rẻ, bây giờ chúng ta cạnh tranh bằng giá trị gia tăng cao. Trước kia chúng ta cạnh tranh thuần túy là chạy theo khách hàng dễ tính, bây giờ chúng ta chấp nhận tái cơ cấu, chuyển đổi sang khách hàng khó tính. Bởi vì chỉ có phục vụ khách hàng khó tính, đáp ứng yêu cầu của họ chúng ta mới tự nâng mình lên. Xoay góc nhìn từ truyền thống, lạc hậu chuyển sang góc nhìn hiện đại phù hợp với thời thế hơn thì tôi tin sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho ĐBSCL”.

Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy sản xuất đã giúp hình thành các vùng nguyên liệu có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng không thể lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp…

Tác giả bài viết: https://www.baohaugiang.com.vn/kinh-te/chia-khoa-xuat-khau-ben-vung-119785.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây