Phát triển vùng sản xuất tập trung
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với diện tích gần 5.000ha; phát triển đa dạng các loại lâm nghiệp, vùng cây ăn quả, nuôi tôm, chăn nuôi, nhuyễn thể… Qua đó,giúp thay thế việc nuôi trồng, chăn nuôi nhỏ lẻ; đồng thời, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án với quy mô lớn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân.
Xuất phát từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã có trên 500 sản phẩm OCOP trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao, có thể cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của người dân, đặc biệt trong mỗi dịp tổ chức hội chợ OCOP hằng năm. Đơn cư như tại thị xã Đông Triều, địa phương được đánh giá tiên phong trong xây dựng, hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, khẳng định được chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể và chứng nhận VietGAP như: Na dai, nếp cái hoa vàng, cam canh…
Tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã…Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân. Đồng thời, thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững.
Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cho thị trường. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn đã quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn theo hình thức tập trung như: VinEco – Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Thủy sản Việt Úc…
“Chúng tôi luôn đánh giá Chương trình OCOP là một trong những chương trình nhân văn, hỗ trợ thiết thực cho người nông dân vươn tầm trở thành doanh nghiệp đi xa khỏi lũy tre làng và cho những doanh nghiệp khởi nghiệp như chúng tôi được bay cao, bay xa hơn, hoàn thành được ước mơ đưa sản phẩm quê hương ra khỏi biên giới của Việt Nam”- Bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh chia sẻ.
Thúc đẩy xúc tiến thương mại
Hiện nay tổng số tổ chức tham gia OCOP toàn tỉnh Quảng Ninh là189 đơn vị, trong đó có 52 doanh nghiệp, 72 hợp tác xã, 65 hộ sản xuất.Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP cũng được tỉnh quan tâm với việc củng cố các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực tư vấn, hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng, nhất là việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, nâng cấp bao bì tem nhãn, xây dựng thương hiệu, bảo hộ về nhãn hiệu, dán tem truy suất nguồn gốc... Đặc biệt là việchỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, các trang bán hàng điện tử như: Tiki, lazada, Voso...; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ các trung tâm OCOP. Nhiều đơn vị sản xuất đã tăng cường liên kết với các hộ để mở rộng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho người dân...
Ngành Công Thương Quảng Ninh cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm...
Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức 6 hội chợ (2 hội chợ OCOP cấp tỉnh, 4 hội chợ OCOP kết hợp thương mại) tại Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long,Vân Đồn; 2 phiên chợ đưa hàng Việt huyện Ba chẽ, Bình Liêu; 2 tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Go, Sunworld; 2 phiên chợ trực tuyến tại Uông Bí, Cẩm Phả. Tổ chức 3 chương trình tham gia xúc tiến thương mại trong nước tại Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và1 chương trình xúc tiến thương mại tại Lào.
Thông qua kết nối, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bày bán tại nhiều tỉnh, thành phố và đạt doanh thu bán hàng cao, được ưa chuộng như: Chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, ruốc tôm, nước mắm Vân Đồn, dược liệu, miến dong Bình Liêu… Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu tỉnh Quảng Ninh năm 2022 tại Hà Đông (Hà Nội) đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kiên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, cho biết, "Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục tập trung vào công tác tổ chức hội chợ OCOP, đặc biệt vào dịp cuối năm, tham gia các hoạt động xúc tiến, triển lãm OCOP tại thị trường ngoài tỉnh. Đồng thời, tìm kiếm và tham gia các hoạt động xúc tiến tại các thị trường tiềm năng nước ngoài”.
Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung quảng bá, xúc tiến sản phẩm trọng tâm vào các tỉnh, thành phố có Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương hỗ trợ, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Ngoài ra, cũng định hướng tăng cường kết nối vùng, miền là đại diện cho khu vực, thị trường lớn như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Đà Nẵng, Gia Lai… |
Tác giả bài viết: https://congthuong.vn/bai-1-xay-dung-chuoi-lien-ket-225780.html
Ý kiến bạn đọc