Đến các thị trường khó tính bằng sàn thương mại điện tử
Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thời gian qua, đã có hơn 50 tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, để đưa hàng nông sản đến với các thị trường lớn. “Những chính sách ưu tiên xây dựng, ưu đãi đầu tư để thu hút doanh nghiệp hay phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đang phát huy tác dụng. Đặc biệt, đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp hữu hiệu giúp nông sản được rộng mở về thị trường tiêu thụ, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Thực tế cho thấy, việc các đặc sản vùng miền có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới như mật ong xuất khẩu liên tục sang EU, Mỹ; trái xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Anh, Australia; trái vải Lục Ngạn được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, Pháp…là minh chứng rõ ràng. Thông qua đó góp phần tạo sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống và góp phần giảm nghèo cho nông dân ở khu vực này.
Bàn về câu chuyện này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, Bộ Công thương đã triển khai tích cực việc lồng ghép trong tiêu thụ nông sản, kết nối để đưa vào các chương trình bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố. Đồng thời đã kết nối hàng hóa đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại, các sàn thương mại điện tử để đưa đến các thị trường khó tính ở nước ngoài.
Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… kết nối hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tổ chức quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ phân phối ổn định tại siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối...
Cần khai thác tốt yếu tố đặc trưng, đặc sản vùng miền
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung vào các chương trình tiêu thụ nông sản cho nhiều địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, gắn kết chặt chẽ với nông dân, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thông qua một số đề án về đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đến năm 2030; hỗ trợ phát triển tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số…Theo đó, ngành Công thương sẽ hỗ trợ kết nối cung cầu thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền. Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, Bộ Công thương còn tập trung vào điểm mới đó là kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, sẽ tiếp tục tập trung vào ứng dụng thương mại điện tử để đưa nông sản vươn ra các thị trường tiềm năng”, bà Nga nhấn mạnh.
Sản xuất đã hướng đến thị trường
"Tại Diễn đàn Kinh tế “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” diễn ra ngày 5/10 vừa qua, ông Y Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đánh giá, đến nay, sản xuất một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo tại đã giảm đáng kể, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội đều có chuyển biến tích cực ."
Trao đổi với phóng viên về các giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đang đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhất là ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nước ta cần tiếp tục có các chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương bởi đây là yếu tố cốt lõi để đưa các sản phẩm, nhất là những sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Tác giả bài viết: https://lhhtx.vn/kinh-te/tao-dau-ra-cho-nong-san-vung-mien-thong-qua-thuong-mai-dien-tu-1796.html
Ý kiến bạn đọc