Đồng bào dân tộc vùng cao đi chợ phiên Nhi Sơn không chỉ mua bán hàng hóa mà còn để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện tâm tình, uống với nhau một vài chén rượu ngô, thổi vài điệu khèn hay quây quần xung quanh chảo thắng cố nóng hổi.
Từ chiều hôm trước ngày diễn ra chợ phiên, những chuyến xe tải cũng đã lình kình mang theo những dao, cuốc, hàng gia dụng từ miền xuôi lên Nhi Sơn, trông chờ trời sáng. Rồi đến cuối phiên chợ, những chiếc xe ấy lại nặng thùng hàng với những sản vật vùng cao trở về phố thị.
Không khí của phiên chợ luôn được bao phủ bởi sự náo nhiệt, vui tươi từ những con đường dẫn về. Những chàng trai dân tộc với cây sáo véo von điệu nhạc vui tươi, bên những cô gái Mông, gái Thái xúng xính trong trang phục truyền thống, nụ cười tỏa nắng. Những em bé vẫn ngủ ngon trên lưng mẹ.
Chợ không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, mà hơn cả là sau những ngày lên nương vất vả, người dân ở bản gần xa, từ già trẻ, gái trai về đây tụ họp, quây quần chia sẻ với nhau những nhọc nhằn, buồn vui của cuộc sống. Bởi vậy, chỉ nghe nhắc đến chợ Nhi Sơn thôi đã thấy thân thương, được thỏa sức khám phá nét văn hóa đặc sắc về con người và vùng đất này.
Đến với chợ phiên Nhi Sơn, mọi người không nên bỏ qua cơ hội để thưởng thức những món đặc sản như rượu ngô Pù Toong thơm nồng, cơm lam từ lúa nếp nương và món thắng cố lâu đời của người Mông bản địa nấu từ thịt ngựa, thịt bò với thảo quả và lá rừng. Với nguyên liệu đặc trưng, một bát thắng cố nóng hổi nhâm nhi cùng với rượu ngô, rượu táo mèo đem lại một trải nghiệm thú vị.
Ngoài ra, đến chợ Nhi Sơn, bất cứ ai cũng sẽ bị thu hút bởi những món đồ thổ cẩm đủ sắc màu, bắt mắt với đa dạng họa tiết, mẫu mã của những váy, khăn, áo quần, túi,... được tạo ra từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng sơn cước.
Vừa nhộn nhịp, vừa đông vui, phiên chợ cứ thế diễn ra từ sáng sớm tinh mơ cho đến giữa buổi chiều. Tan chợ, họ trở về bản trong tiếng cười đùa, trong hương thơm thắng cố và chếch choáng men say của rượu ngô. Và những chiếc gùi của người phụ nữ Mông cũng nặng hơn bởi lỉnh kỉnh hàng hóa từ phiên chợ.
Thầy giáo Ly Ly Pó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý chia sẻ, vốn là người con dân tộc Mông, xã Pù Nhi, thầy khá am hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt thầy Pó rất yêu thích cây sáo Mông, thầy làm sáo và thổi sáo hay như cách thầy truyền dạy kiến thức cho các em học sinh nơi mình gắn bó.
Thầy nói: “Cây sáo Mông là một loại nhạc cụ truyền thống có thanh âm trầm bổng, da diết, không thể thiếu tại các lễ hội, những phiên chợ tình Nhi Sơn và cũng là vật để những đôi trai gái có dịp được giao duyên, kết bạn trăm năm. Bởi vậy, mỗi lần xuống chợ cùng người thân, tôi thường đem theo cây sáo thổi dọc đường đi. Tiếng sáo réo rắt mời gọi người dân xuống chợ, tiếng sáo trầm bổng, vang vọng luẩn quất vào những đám mây bồng bềnh trên những ngọn núi.
Chính những giây phút được xuống chợ, được hòa mình vào dòng người và cất lên tiếng sáo trầm bổng ấy, là lúc tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong tâm hồn, thêm yêu mảnh đất, con người nơi biên cương”.
Chợ tình Nhi Sơn không chỉ là nơi bà con các dân tộc nơi đây mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa tình hữu nghị của bà con nhân dân nơi đây.
Tác giả bài viết: https://lhhtx.vn/van-hoa-xa-hoi/cho-nhi-son-net-dep-van-hoa-cua-huyen-muong-lat-thanh-hoa-1808.html
Ý kiến bạn đọc