Ký ức chợ quê

Thứ hai - 10/10/2022 23:38 270 0
Chợ quê không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu trò chuyện hỏi thăm mùa màng, con cái học hành...
Một góc chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước. Mấy mươi năm rời miệt quê, ra phố, bỏ lại sau lưng cái chợ quê đong đầy kỷ niệm. Có dịp đi Tây, đi Tàu… vào các siêu thị hiện đại choáng ngợp với hàng hiệu hay lang thang trên chợ mạng với “thương mại điện tử”, nhưng ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn mãi hình ảnh ngôi chợ Vàm Nhon xưa (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ). Ngôi chợ quê bên dòng sông Ô Môn, chỉ cách Tây Đô đôi mươi cây số, mà đậm chất quê, nặng tình người.

Chợ quê là hình ảnh chị tôi mộc mạc, chân quê trong áo bà ba đẹp từng đường chỉ may tay, nhấn nhá eo thon làm nhiều chàng trai xóm trong, chợ ngoài ngẩn ngơ. Chợ quê là những bức thư tình trên giấy học trò kẻ dòng đôi cho chữ thẳng hàng của mấy anh ngoài chợ gửi chị tôi kèm ổ bánh mì, cái bánh bao trả công “người đưa thư” là tôi ngày trước…

Theo lý giải của nhà Nam bộ học Sơn Nam thì quá trình mở mang bờ cõi, mỗi giai đoạn phát triển của vùng đất phương Nam đánh dấu một giai đoạn văn minh. Cùng với văn minh miệt vườn, sông nước, văn minh nông nghiệp lúa nước, văn minh kinh xáng, có văn minh... chợ quê.

Một đặc sắc của chợ quê miền Tây là chợ nổi. Chợ nổi thì nổi tiếng rồi. “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền/ Đừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê”. Chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền trên đất Cần Thơ; chợ nổi Trà Ôn ở Vĩnh Long, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang… Nhưng lâu đời và nổi tiếng nhất vẫn là chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), được nhiều người biết tiếng qua bản Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu và làn hơi luyến láy của danh ca cải lương Út Trà Ôn. Người trong Nam, ngoài Bắc hầu như đều thuộc ít nhất mấy câu vọng cổ hoặc có thể à ơ mấy đoạn của bài hát này. Chợ nổi không chỉ có mua bán mà còn là nơi dân tài tử - cũng là người mua, kẻ bán - trổ tài ca hát.

Chợ nổi còn có nhiều “biến thể” đặc sệt phong cách quê, phương thức sinh hoạt nông nghiệp, nông thôn, miệt vườn sông nước. Vùng cuối đất thì có chợ trôi Năm Căn (Cà Mau). Đồng Tháp có chợ cá đồng, chợ rắn, chợ chuột Tháp Mười nhộn nhịp vào mùa nước nổi. Miệt Hậu Giang thì nổi tiếng các chợ “xứ ngàn”. Ngàn không phải là đơn vị tính của đồng tiền đặt cho tên chợ, cũng không có nghĩa như bài hát Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt, mà đơn giản là cách gọi con số, từ một ngàn, ngàn rưỡi, dài đến mười bốn ngàn để chỉ khoảng cách các con kênh trục đứng (chiều dọc) và xẻ ngang xương cá tạo ra hệ thống thủy lợi bàn cờ miệt Hậu Giang - dấu ấn thời Pháp dùng cơ giới làm thủy lợi, mà nhà văn Sơn Nam đã viết trong sách Khai phá miền Hậu Giang.

Vốn xưa người Pháp khai thác thuộc địa, làm thủy lợi, đào kinh xáng Xà No, Lái Hiếu và các kinh trục cách nhau 1.000m, rồi xẻ kinh xương cá cách nhau 500m. Dân cư hình thành theo con kinh, chợ nhóm chỗ đông đúc, rồi đặt tên theo số đo chiều dài hoặc chiều rộng của dòng kinh, nên mới có kinh Bảy Thước, kinh Mười Thước và có chợ “xứ ngàn”. Xâu chuỗi các chợ Một Ngàn, Bảy Ngàn là dòng kinh xáng Xà No - con đường lúa gạo miền Hậu Giang mà ngày nay vẫn nhộn nhịp chợ quê.

Đờn ca tài tử trên sông ở Cần Thơ

Chợ quê không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là nơi hỏi thăm nhau mùa màng, con cái học hành. Người bán, người mua quen biết nhau. Người mua cũng là người bán, đồng tiền cứ xoay từ trong túi chị Hai vừa bán mớ cá qua anh Ba bán thịt, rồi đến lượt cô Tư bán chuối, thím Năm tạp hóa…

Kinh tế phát triển, ngày nay nhiều chợ quê phải nhường chỗ cho siêu thị, những ngôi chợ hiện đại, cửa hàng tiện ích... Kèm theo đó là những thức ăn nhanh hamburger, gà rán KFC, Jolibee… xuất hiện ngày càng nhiều thay cho các món ăn quê. Song, cho đến nay và tôi tin còn lâu nữa, chợ quê ở miền Tây vẫn tồn tại trong hiện thực và luôn sống mãi trong ký ức của người miền Tây.

Tác giả bài viết: https://lhhtx.vn/van-hoa-xa-hoi/ky-uc-cho-que-1797.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây