Mỗi phiên chợ trải dài trên đất nước Việt Nam đều mang trong mình một nét độc đáo của người dân bản địa. Ở vùng biên Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) có một ngôi chợ mang đậm dấu ấn sắc thổ cẩm, tự thân điểm tô cho vùng rẻo cao của miền Tây xứ Nghệ vào mỗi phiên chợ.
Chợ Tri Lễ có một điểm đặc biệt, đó là “chợ ở trong chợ”. Bởi mặc dầu nằm giáp với nước bạn Lào, tận cùng của quốc lộ 48, nhưng nơi đây từ lâu đã có một khu chợ khá lớn với đầy đủ hàng hóa chẳng kém gì chợ trung tâm thị trấn. Những chuyến xe khách chạy về thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn đều đặn xuất phát hằng ngày từ đây.
Nhiều người khi đến chợ Tri Lễ này đều sửng sốt và cảm thấy thú vị, bởi bên trong chợ còn có một chợ khác của đồng bào dân tộc Thái, Mông ở gần đó. Đó là một dãy hàng nằm bên đường chợ chính. Tại đó, bà con các dân tộc từ các bản xa đưa về đây những sản vật vườn nhà hoặc các sản phẩm được thu hái trong những chuyến đi rừng. Nơi đó có đủ loại rau rừng, măng lay (một loại măng nhỏ bằng ngón tay và ngọt thơm). Bà con còn mang xuống nguyên cả tổ ong rừng để bán nhộng, hoặc hoa riềng, bầu bí, dưa rẫy, thậm chí có cả chim trời săn bắt được...
Nơi đây có những sạp hàng dựng bằng tre nứa tạm bợ và chủ yếu phục vụ nhu cầu cho bà con các xóm lân cận. Ngôi chợ nhỏ độc đáo này, người bán hàng chủ yếu đến từ các xóm bản người Thái, người Mông quanh chợ... Chợ họp từ sáng sớm cho đến tối mịt và luôn rôm rả tiếng nói cười. Cả chợ chỉ toàn bày bán những mặt hàng rau, củ, quả là nông sản bản địa và dao để đi rừng.
Người ta vẫn vui miệng gọi nơi này là chốn “người bán nhiều hơn kẻ mua”. Điều đặc biệt là ở chợ, người ta không đặt nặng chuyện mua đi bán lại. Những phụ nữ lúc nông nhàn có thể mang theo bó rau, con cá, con gà, củ khoai đến gặp mặt nhau, chuyện trò. Cũng có khi, người này bán hết hàng thì sang bán giúp cho người khác, vì thế mà mỗi sạp hàng có đến hàng chục người ngồi bán, còn người mua thì chỉ thi thoảng mới xuất hiện.
Lỳ Bá Cha (32 tuổi) mang dưa ra chợ bán. 2 giỏ dưa quả to, mọng nước. Hỏi chuyện, Cha cho hay: Trước đây, dưa của bà con đồng bào Mông trồng được rất nhiều, ăn không hết phải đổ đi vì không bán được. Rồi có người mang ra chợ Tri Lễ bán, thấy bán được mà lại vui. Thế là người trong bản cùng kéo nhau đi, mang các nông sản làm được ra chợ bán.
Những sản vật của người dân tự trồng cấy được, giá bán phải chăng và đều là loại nông sản sạch nên rất được người mua ưa chuộng. Hằng tuần đều có những chuyến xe mua gom của người dân tại chợ này rồi chất hàng chở về xuôi. Người miền xuôi rất thích những loại nông sản này, chính vì thế, những người dân đều mang đến chợ để bán.
Bà con dân tộc thiểu số tới chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn tới để hẹn hò, hay say cái men say của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Nhưng có đến tận nơi, nhìn quang cảnh phiên chợ, sắc màu thổ cẩm, cách bà con đi chợ, mua bán mới cảm nhận hết nét cuốn hút của một phiên chợ vùng cao. Chị Thào Thị Nu, người dân tộc Mông ở xã Tri Lễ về chợ chia sẻ, mỗi lần có phiên chợ, chị đều đi gần chục cây số mang vài con lợn cắp nách xuống bán. Có khi là nhà nuôi, có khi là mua của người trong bản rồi xuống chợ bán kiếm thêm. Chị rất vui mỗi khi xuống chợ, phiên chợ giúp người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa có chỗ bán những thứ nuôi trồng được và mua những vật dụng, đồ dùng thiết yếu cho gia đình...
Ở chợ này, cảm giác như người bán, người mua đều quen nhau, đều toát lên sự gần gũi thân mật. Các cô gái, chàng trai người Thái, người Mông đều có cái cớ riêng để tới chợ. Còn với nhiều người bán nông sản thì họ tới chợ đã trở thành một nếp sống. Bởi vậy, ngày ngày chợ vẫn nhộn nhịp, đông vui, rộn rã sắc màu đến khác lạ.
Nhiều người dưới xuôi khi lên với vùng biên giới này đều cảm thấy thú vị, bởi nơi đây không chỉ có nhiều sản phẩm ngon, lạ của người dân miền núi, mà còn được trải nghiệm không gian, sắc màu, nét văn hóa thú vị của vùng dân tộc thiểu số. Nhiều lữ khách cũng không quên mua những đặc sản địa phương về đồng bằng làm quà, những thứ rất đơn giản như một túi ớt thóc, vài cân gạo nếp nương cũng khiến mọi người thích thú…
“Chợ trong chợ” ở Tri Lễ này không chỉ là nơi giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi hội tụ, gặp gỡ và giao lưu của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng. Qua đó, góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi vùng biên xứ Nghệ.
Tác giả bài viết: https://lhhtx.vn/van-hoa-xa-hoi/doc-dao-cho-vung-bien-tri-le-1800.html
Ý kiến bạn đọc