Những chợ phiên nổi tiếng ở miền Tây xứ Thanh

Chủ nhật - 05/02/2023 20:57 403 0
Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa, gắn kết tình nghĩa của cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi xứ Thanh; đồng thời góp phần vun đắp tình hữu nghị của Nhân dân vùng biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn.
Chợ Nhi Sơn nằm trên địa bàn bản Chim, xã Nhi Sơn (Mường Lát) họp duy nhất vào ngày 15 dương lịch hàng tháng. Ảnh: Pó Ly

Chợ Na Mèo gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào

Ngày 7 tháng Giêng cũng là ngày chợ Na Mèo họp phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Hai chị em Nàng Nít Thi Ta và Nàng Sẻng Thíp Pha Vông ở bản Nghịu, huyện Viêng Xay, Hủa Phăn (Lào) sang chợ Na Mèo, huyện Quan Sơn để du xuân và mua bán hàng hóa. Những ngày đầu xuân mới, bà con ở các bản Lơi, bản Nghịu… huyện Viêng Xay sang chợ Na Mèo từ sáng sớm thông qua Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo – Nậm Xôi. Họ đem theo hàng hóa như hoa quả, rau, tôm, cá để đem sang chợ bán. Ở cửa khẩu, những cán bộ, chiến sĩ của Trạm Biên phòng Cửa khẩu Na Mèo (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo) làm thủ tục xuất/nhập cảnh cho người, phương tiện qua lại. Vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lưu lượng người, phương tiện qua lại tăng nên cán bộ, chiến sĩ của trạm luôn ứng trực 100% quân số, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát hai bên cánh gà cửa khẩu, giúp đỡ bà con làm thủ tục thông quan, vừa đảm bảo đúng thủ tục, thuận lợi thông thoáng, không để các đối tượng lợi dụng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép. Những ngày đầu xuân mới của người Việt, bà con nước bạn Lào qua cửa khẩu sang chợ Na Mèo gặp gỡ, mua bán cũng dành lời chúc mừng năm mới thân tình, ấm áp.

Chợ phiên Na Mèo (Quan Sơn) là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, thu hút du khách khi đến cửa khẩu, góp phần gắn kết tình hữu nghị biên giới Việt – Lào. Ảnh: N.H

Chợ Na Mèo chỉ họp một lần duy nhất vào sáng thứ 7 hàng tuần vì vậy đây cũng là phiên chợ mà bà con các bản Mông, bản Thái ở xã Na Mèo, các bản giáp biên Viêng Xay mong chờ. Chợ nằm cách trung tâm huyện Quan Sơn hơn 50 km và cách TP Thanh Hóa gần 200 km, có vị trí quan trọng ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Theo những người dân nơi đây, chợ cửa khẩu được hình thành cách đây hơn 30 năm. Năm 2004 chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng gồm 1 nhà chính, các dãy ki-ốt kiên cố, đến năm 2014 cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thì việc buôn bán, trao đổi hàng hóa trở nên nhộn nhịp, thu hút người dân, tiểu thương đến giao thương, buôn bán. Ghé thăm chợ vùng biên Na Mèo, du khách cảm nhận không khí thân tình của người dân, thưởng thức các món đặc sản và mua các sản phẩm mang đặc trưng của vùng biên giới như chuột rừng, nấm, dưa Lào, cá suối, cải Mông, rêu đá…; các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép cũng khá phong phú. Chợ Na Mèo không chỉ là địa điểm mua bán, giao thương trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa, ẩm thực, thu hút du khách khi đến cửa khẩu, là sợi dây gắn kết tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.

Độc đáo chợ Phố Đoàn (còn gọi là chợ Phố Đòn)

Đến với Pù Luông, Bá Thước, ngoài khám phá nét văn hóa, ẩm thực tại các gia đình, khu du lịch ở các bản thuộc xã Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Lũng Cao… thì du khách còn thích thú khi được ghé thăm chợ Phố Đoàn (xã Lũng Niêm) – phiên chợ của đồng bào dân tộc Thái, Mường… Chợ không chỉ thu hút người dân bản địa, còn là dịp du khách trong và ngoài nước thích thú, khám phá nét ẩm thực, sản phẩm đặc sản mang đặc trưng của Pù Luông.

Du khách nước ngoài thích thú khi ghé thăm chợ Phố Đoàn, xã Lũng Niêm (Bá Thước). Ảnh: T.N

Nếu như chợ Na Mèo (Quan Sơn) họp duy nhất vào thứ 7 thì chợ Phố Đoàn (Bá Thước) họp vào ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Để đưa hàng hóa tới chợ Phố Đoàn bà con phải dậy thật sớm, lội suối, băng rừng gùi hàng tới hàng chục cây số, trong đó, xa nhất là người dân thuộc 3 bản Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao). Chợ bắt đầu từ 6 giờ sáng và thường kết thúc vào lúc 11 giờ trưa. Chợ Phố Đoàn là nơi bày bán đủ các loại hàng hóa từ truyền thống tới hiện đại, nhưng chủ yếu là các sản phẩm “cây nhà lá vườn” của người dân bản địa trong vùng. Đại đa số những sản vật này đều do người dân tự trồng và hái lượm từ trên rừng. Nhiều du khách đến với chợ phiên Phố Đoàn thích thú khi có thể mua hạt mắc khén, một loại gia vị thơm ngon, những tấm vải, khăn thổ cẩm sặc sỡ do người dân dệt nên; những quả cam quýt vàng óng, thơm ngon được trồng ở Pù Luông; thưởng thức bánh xèo, bánh rán thơm dẻo hay bát phở nóng hổi.

Chợ Phố Đoàn có từ thời Pháp thuộc, nằm ở xã Lũng Niêm. Chợ cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 150 km về hướng Tây Bắc, được biết đến là phiên chợ vùng cao độc đáo thu hút du khách khi tới Thanh Hóa. Đến với chợ Phố Đoàn, du khách không chỉ được mua sắm, mà còn được tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nằm giữa núi rừng hùng vĩ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, chợ phiên Phố Đoàn trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, góp phần lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ấm tình chợ Nhi Sơn

Lên huyện vùng cao Mường Lát, ghé thăm chợ tình Nhi Sơn, xã Nhi Sơn, hòa mình nơi phiên chợ tình vùng cao của đồng bào dân tộc Mông, khám phá nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây.

Chợ phiên Nhi Sơn được tổ chức trên khu đất rộng chừng 3.000m2, nằm dọc Quốc lộ 15C. Chợ lần đầu tiên được khai trương vào năm 2016 đúng dịp Tết Độc lập của đồng bào Mông (2-9) và được duy trì vào ngày 15 dương lịch hàng tháng, thu hút người dân ở khu vực các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Mường Lý và cả các bản giáp biên huyện Viêng Xay. Mùa nào thức đấy, bà con các bản Mông, bản Thái gùi những mận, những đào, măng rừng, củ mài, cánh kiến... xuống chợ. Từ chiều hôm trước, những chuyến xe tải cũng đã chở theo những dao, cuốc, hàng gia dụng từ miền xuôi lên Nhi Sơn, trông chờ trời sáng. Rồi đến cuối phiên chợ, những chiếc xe ấy lại nặng thùng hàng với những sản vật vùng cao trở về phố thị.

Không khí của phiên chợ náo nhiệt, vui tươi từ những con đường dẫn về. Những chàng trai Mông với cây sáo véo von điệu nhạc vui tươi, bên những cô gái Mông, gái Thái xúng xính trong trang phục dân tộc, nụ cười tỏa nắng. Những em bé vẫn ngủ ngon trên lưng mẹ.

Đến với chợ phiên Nhi Sơn để thưởng thức rượu ngô Pù Toong thơm nồng, cơm lam từ lúa nếp nương và món thắng cố lâu đời của người Mông bản địa. Mua món đồ thổ cẩm đủ sắc màu, bắt mắt với đa dạng họa tiết, mẫu mã của những váy, khăn, áo quần, túi,... được tạo ra từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng sơn cước. Chợ Nhi Sơn còn là dịp gắn kết tình cảm cộng đồng và những đôi trai gái có dịp được giao duyên, kết bạn trăm năm...

Tác giả bài viết: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/nhung-cho-phien-nbsp-noi-tieng-o-mien-tay-xu-thanh/26256.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây