Đảm bảo nguồn hàng bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão

Thứ năm - 08/12/2022 20:40 211 0
Ngành Công thương tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Dự trữ hàng hóa phục vụ tết tăng khoảng 10%

Tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão ngày 8/12, Tổ Điều hành thị trường trong nước, Bộ Công thương dự báo, sau dịch Covid-19 thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 sẽ sôi động. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.

Đảm bảo nguồn hàng bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Năm nay, kinh tế dần phục hồi, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.

Ước, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.

Tại hội nghị, đại diện các sở công thương thành phố lớn cũng cho biết, đến thời điểm này đã có sự chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội đã ban hành 10 kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác bình ổn thị trường, công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kích cầu nội địa tăng tổng mức bán lẻ, công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, xăng dầu trên địa bàn.

Thực hiện các công tác chuẩn bị để tổ chức triển khai các chương trình, sự kiện phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2022: Hội chợ nông sản phục vụ Tết Nguyên đán, tuyên truyền, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, 04 hội chợ xuân, 86 điểm chợ Hoa Xuân phục vụ Tết trên địa bàn thành phố, chương trình Happy Tết. Hà Nội sẽ đưa vào vận hành thêm 5 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 85 điểm bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để đảm bảo đưa hàng hóa về Hà Nội, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp tích cực vào cuộc

Tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11/2022, UBND các tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động…

Đảm bảo nguồn hàng bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão
Đảm bảo nguồn hàng bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: TL

Đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong tháng Tết. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3.000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.

Bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ thêm, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với Kế hoạch phục vụ tết năm 2021).

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc, Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ, khả năng từ nay tới cận tết, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tích cực, sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối năm trước dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, GO!, BigC đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái tết đủ đầy, sung túc, không lo về giá.

"Tập đoàn sẽ cung cấp tất cả các sản phẩm tết, bao gồm bánh, kẹo, nước ngọt, bia, rượu với giá cạnh tranh và nhiều chương trình khuyến mại như mua một tặng một, giảm giá 50%... Bên cạnh kênh bán hàng tại điểm bán, doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh cung cấp hàng hóa tết qua kênh thương mại điện tử, qua các app bán hàng của GO, BigC, Tops để phục vụ người tiêu dùng" - ông Lê Mạnh Phong nói.

Tác giả bài viết: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dam-bao-nguon-hang-binh-on-thi-truong-cuoi-nam-va-tet-nguyen-dan-quy-mao-118281.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây