Chợ truyền thống trong vòng xoáy Ðô thị

Thứ năm - 09/02/2023 03:04 268 0
Hiện nay, kênh phân phối hiện đại phát triển mạnh, phương thức mua sắm đa dạng, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, theo hướng văn minh, bảo đảm sức khỏe. Trong khi đó, chợ truyền thống vẫn còn nhiều điểm yếu khiến sức mua sụt giảm. Đây chính là lúc các chợ cần có sự chuyển mình toàn diện để nâng sức cạnh tranh với các loại hình kinh doanh thương mại khác.

Đó là nhận định của Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh Lưu Bảo Trung về tình hình phát triển chợ truyền thống hiện nay.

Chợ VSATTP Trung tâm thị trấn Thứa bố trí hàng hóa khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm.

Nhân rộng điểm sáng
Chúng tôi khá bất ngờ khi đến thăm chợ Trung tâm thị trấn Thứa (Lương Tài). Nằm giữa nút giao, khu chợ Thứa sạch sẽ, thoáng mát, hàng hóa được sắp xếp gọn gàng, khoa học, thuận tiện cho người mua. Mới vào buổi sáng, không khí buôn bán tại chợ khá nhộn nhịp, đông đúc. Các tiểu thương ở đây không chỉ bán lẻ, mà còn là đầu mối bỏ sỉ hàng hóa cho các chợ nông thôn vùng ven. Đặc biệt, tiểu thương luôn phục vụ khách với thái độ hòa nhã, nhiệt tình tư vấn, chào hàng theo phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Cẩn thận thu gom các phế phẩm hải sản ở quầy bán, chị Hoàng Thị Thùy một tiểu thương lâu năm của chợ chia sẻ: “Giờ khách hàng thay đổi nhiều rồi, mình phải thay đổi mới tồn tại được vì người mua không còn ham rẻ như trước mà chuộng chất lượng và cung cách phục vụ. Sau khi thực hiện mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), chúng tôi thường xuyên được Ban quản lý chợ nhắc nhở, phải lấy hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, niêm yết giá đầy đủ; có thái độ bán hàng văn minh, lịch sự… nên khách đến mua hàng cũng đông hơn”.

Dẫn chúng tôi trên lối đi sạch sẽ, qua các quầy hàng bày biện ngăn nắp, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Ban Quản lý chợ cho biết: “Năm 2009, chợ được Công ty TNHH Xây dựng Hải Âu khánh thành và đưa vào hoạt động trên diện tích gần 15.960 m2. Chợ có 166 ki ốt; 143 quầy, 174 điểm kinh doanh thu hút hơn 500 tiểu thương vào kinh doanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của người dân trong huyện và các địa phương lân cận. Năm 2020 chợ được triển khai xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATVSTP, chất lượng mua sắm tại chợ cải thiện rõ rệt, người mua và người bán đều phấn khởi”.

Nhờ nguồn vốn đầu tư của ngân sách và nhất là nguồn xã hội hóa thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, nhiều chợ trong tỉnh đã được xây dựng mới khang trang, hiện đại.

Được biết, chợ Trung tâm thị trấn Thứa là một trong những mô hình thí điểm theo Quyết định phê duyệt “Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATVSTP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” của UBND tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước và phát huy trách nhiệm của các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại các chợ trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Nhờ đó, 3 chợ gồm: Chợ Thị trấn Phố Mới (Quế Võ), Chợ Thị trấn Thứa (Lương Tài) và Chợ Thị trấn Gia Bình (Gia Bình)… đã được khoác lên mình diện mạo mới. Các chợ được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đồng bộ như hệ thống cống thoát, thải đầy đủ, bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường; có hệ thống cấp nước sạch tới các quầy thực phẩm tươi sống; có nhà vệ sinh công cộng...; các khu chức năng cơ bản được phân thành khu vực riêng biệt, có biển hiệu rõ ràng, được xây dựng kiên cố và được sửa chữa, nâng cấp mái cầu chợ, sàn bán thực phẩm thoát nước tốt… Các hộ kinh doanh thực phẩm cố định có biển hiệu, số điện thoại, có địa chỉ rõ ràng theo quy cách của doanh nghiệp quản lý chợ. Riêng những  hộ kinh doanh thực phẩm chín có bàn quầy, tủ kính theo quy cách thống nhất của doanh nghiệp quản lý chợ quy định với chiều cao bảo đảm từ 60cm trở lên, diện tích tối thiểu 3m2. Ngoài ra, các tiểu thương kinh doanh tại chợ cũng thường xuyên được tuyên truyền các tiêu chí quan trọng để xây dựng chợ ATVSTP như: thực phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc rõ ràng, không bán thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng; hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy, bao gói vệ sinh…

Theo đánh giá của Sở Công Thương, mô hình chợ thí điểm VSATTP đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của Ban Quản lý các chợ và người kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Chính vì thế,  những chợ này đã thu hút khá đông lượng khách đến mua sắm khác hẳn với những chợ truyền thống khác. Đồng thời, đã xây dựng được nguồn cung và  bước đầu hình thành chuỗi sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Hồ hởi bước ra khỏi chợ với 2 túi đồ to, chị Đặng Thị Luyến, thị trấn phố Mới (Quế Võ) vui mừng: “Ngày nào tôi cũng ra chợ Trung tâm thị trấn Phố Mới mua đồ nấu ăn cho cả nhà. Hàng ở đây tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, giá phù hợp. Hơn nữa, người bán hàng luôn có thái độ giao tiếp lịch sự và vui vẻ dù khách có mua hàng hay không…”.

Hướng đến văn minh, hiện đại
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 108 chợ, theo thống kê cho thấy, lượng hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm 40%, tính riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống lưu thông qua chợ chiếm 70%. Chính vì vậy, hoạt động của các chợ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung ứng vật tư, nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, ngoài một số chợ được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp có cơ sở vật chất cơ bản phù hợp quy mô hoạt động, phần lớn các chợ đều xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATVSTP…

Trao đổi với ông Lưu Bảo Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương, chúng tôi được biết, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh mới có 17/108 chợ được đầu tư xây mới, xây lại trên nền chợ cũ và sửa chữa cải tạo với số vốn đầu tư 179,34 tỷ đồng (nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa). Số chợ xuống cấp phải đầu tư cải tạo, sửa chữa còn nhiều, nhất là các chợ nằm ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu buôn bán của người dân lớn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của các địa phương. Vì vậy, theo Đề án phát triển hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại thì từ 2021-2025, tỉnh phấn đấu có 60 chợ được xây mới, xây lại và sửa chữa cải tạo. Trong đó, điển hình là xây mới Chợ Đầu mối tại Khu liên hiệp dịch vụ chợ Đầu mối Thuận Thành quy mô khoảng 95ha. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình bảo đảm chợ an toàn thực phẩm, trong đó mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 chợ đạt tiêu chí chợ bảo đảm ATVSTP… Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% chợ được công nhận là chợ văn minh thương mại.

Xây dựng văn hóa trong kinh doanh theo hướng văn minh, lịch sự chính là một trong những yếu tố then chốt để các chợ thu hút người tiêu dùng đến mua sắm.

Để đạt mục tiêu này Ngành Công Thương sẽ tham mưu với tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để xúc tiến, kêu gọi đầu tư Dự án “Khu liên hợp - Dịch vụ nông sản - Chợ đầu mối Thuận Thành”; Xúc tiến công tác mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các chợ trên địa bàn theo danh mục kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống chợ được tỉnh ban hành; Tăng cường tuyên truyền, vận động các tiểu thương đổi mới phương thức, hình thức kinh doanh và nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi thương mại tại chợ theo hướng văn minh, hiện đại; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị quản lý chợ…

Trên cơ sở đó, liên ngành như Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, Cục Quản lý thị trường cũng sẽ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường công tác chống buôn lậu, đầu cơ găm hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng…Về phía lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo, quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh chợ trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống chợ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhu cầu tiêu dùng và mạng lưới phân phối hàng tiêu dùng trong khu vực;  kiên quyết dẹp bỏ những tụ điểm mua bán không đúng nơi quy định…

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thì một yếu tố quan trọng là việc xây dựng văn hóa trong kinh doanh tại các chợ truyền thống. Điều này đòi hỏi không chỉ sự quan tâm của các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương mà còn ở nhận thức và trách nhiệm của chính các cơ sở kinh doanh, các tiểu thương buôn bán trong chợ. Bởi để tạo niềm tin, uy tín, kéo khách đến với chợ thường xuyên, đông đúc, lâu bền thì chính các tiểu thương cần phải thay đổi, điều chỉnh cung cách giao tiếp, kỹ năng bán hàng theo hướng văn minh, lịch sự; bán hàng đúng giá, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có dịch vụ hậu mãi tốt...

Với những giải pháp quyết liệt, kịp thời và sự thay đổi của chính những người trong chợ, tin rằng các chợ truyền thống sẽ hồi sinh sức hấp dẫn vốn có của nó, tiếp tục giữ vững vai trò, vị trí đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân mỗi địa phương.

Tác giả bài viết: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-phong-su-va-ghi-chep/-/details/20182/cho-truyen-thong-trong-vong-xoay-o-t-2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây