Đi chợ đoàn kết Việt - Lào miền biên viễn

Thứ tư - 08/02/2023 22:37 405 0
Khi sương sớm còn phủ mờ rừng núi, người dân vùng biên hai nước Việt - Lào đã gùi hàng đến chợ. Chợ mang tên Nậm Cắn, hay còn được gọi bằng cái tên thân mật là chợ Đoàn Kết.

Gần cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có một chợ phiên rất đặc biệt. Chợ họp một tháng 4 lần, trước đây chợ vốn họp vào các ngày 14 và 29 dương lịch, nhưng sau này để tăng cường giao lưu giữa hai nước, năm 2018, chính quyền hai tỉnh vùng biên Việt Nam và Lào đã tăng phiên chợ biên tới 4 lần/ tháng, vào Chủ nhật hàng tuần. Khi sương sớm còn phủ mờ rừng núi, người dân vùng biên hai nước Việt - Lào đã gùi hàng đến chợ. Chợ mang tên Nậm Cắn, hay còn được gọi bằng cái tên thân mật là chợ Đoàn Kết.

Chợ Nậm Cắn là nơi giao lưu thương mại, văn hóa của người dân vùng biên giới hai nước Việt – Lào
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi lên Nậm Cắn đúng vào thời điểm nơi đây có chợ phiên, một sự kiện của núi rừng biên giới miền Tây xứ Nghệ. Từ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn nhìn ra, từng đoàn xe chở người và hàng hóa ở hai ngả biên giới nối đuôi nhau tập kết trước đồn để xuống chợ. Những chàng trai, cô gái ríu rít nhau cùng tung tăng xuống chợ từ buổi chưa nhìn rõ mặt người. Vào thời điểm tết đến xuân về, người Lào, người Việt như chung một dòng tấp nập trở về đây họp chợ.
1.jpeg -0
Hàng hóa tại chợ Nậm Cắn khá đa dạng, nhiều trong đó đến từ nước bạn Lào

Chợ phiên Nậm Cắn là nơi quy tụ muôn sắc về văn hóa của các đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú... Từ các sản vật ẩm thực cho đến trang phục hay đồ dùng vật dụng đều được bà con dân bản mang ra trao đổi, mua bán. Điều đặc biệt nhất ở khu chợ vùng biên chính là những sản vật được cư dân nơi biên giới thu hái từ chính vùng núi non kỳ vỹ này. Anh Nguyễn Thế Hùng - Chính trị viên Đồn biên phòng Nậm Cắn cho biết: “Hôm nay là chợ phiên đầu năm, đồng bào xung quanh đường biên tụ về đây để giao lưu, trao đổi hàng hóa”. Trước dây, chợ họp trên khu đất bằng phẳng hình bán nguyệt lưng chừng núi, sát con suối Nậm Cắn thuộc huyện Kỳ Sơn. Sau khi Nậm Cắn được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, chợ chuyển sang họp trên thửa đất thuộc bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào, cách đường biên khoảng 1km). Dù đây là chợ vùng biên nhưng tình hình ANTT luôn được đảm bảo, hàng tuần, lực lượng Biên phòng, Công an đều giao ban để nắm tình hình. 

Đi chợ đoàn kết miền biên viễn -0
Rau cải Lào - một loại rau bà con trồng trong các khu rừng giáp biên giới Nghệ An

Từ chiều hôm trước, đồng bào hai nước đã tất bật dựng lều, quán nhưng đến đêm xuống, hầu hết những người đi chợ không ngủ. Họ gặp nhau, chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống bên chén rượu ngô nồng đượm. Chợ phiên còn đặc sắc bởi gian hàng ẩm thực của người Lào. Những người chủ quán ở đây đều nói được tiếng Việt. Lúc này, chợ phiên không còn là hoạt động giao thương buôn bán nữa mà là nơi giao lưu thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào.

Đi chợ đoàn kết miền biên viễn -0
Lên chợ phiên là lên với một vùng văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú...

Có người vượt hàng chục km đường rừng đến chợ không phải để mua bán mà đơn giản chỉ muốn gặp bạn bè để giao lưu, gặp người thân bên kia biên giới. Sau những phiên chợ vùng biên, tình đoàn kết anh em đồng bào hai nước càng thêm gắn chặt. Các thiếu nữ Lào, Mông duyên dáng trong các bộ váy dân tộc sặc sỡ. Người tới đây có thể chọn mua những mặt hàng ưa thích và có thể trả bằng kíp Lào hoặc đồng Việt. Phiên chợ cứ đông vui như vậy cho tới khi mặt trời chìm đắm trong khe núi.

Giao thông miền núi ngày nay đã khá hơn, lại có phương tiện cơ giới (xe máy) nên đi chợ phiên không còn vất vả nữa. Ở đây, nhiều người già nếu sức khỏe còn tốt thường không bỏ sót phiên chợ nào, nhất là phiên cuối năm để được đắm say trong tiếng khèn gọi bạn, hòa mình trong không khí đông vui cho bõ những ngày thầm lặng nơi bản làng heo hút. Có những cụ ông ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cầm khèn thổi, xung quanh quây quần những chàng thanh niên ngồi lắng nghe, tuyệt nhiên không có một cuộc trao đổi tiền bạc nào. Ngày trước đường sá đi lại khó khăn, không có phương tiện, để kịp phiên chợ, nhiều người phải cơm đùm cơm nắm đi trước 1 ngày.

Rất nhiều loại hàng hóa từ nhiều vùng miền đã được đưa lên đây, trong đó phần lớn là thực phẩm chuẩn bị đón Tết. Mặt hàng chủ lực của người Việt ở phiên chợ chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Còn tiểu thương Lào lại cung ứng vải thổ cẩm, ẩm thực cho du khách đi chợ. Cải Mông, gà đen là những thực phẩm ưa thích của người Việt, trong khi đó bạn Lào lại chú ý muối, mực khô, cá biển, cá đồng... Người mua lẫn người bán cùng ngắm nghía thật lâu món hàng. Ở đây người ta có thể trả bằng tiền Lào hoặc tiền Việt. Giữa không gian mua bán, giọng phát thanh viên đang đọc “Bản tin vùng biên” bằng ngôn ngữ bản địa và tiếng phổ thông trên hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Vào dịp chợ phiên, bản tin sẽ được đọc vào chiều hôm trước và trong phiên chợ vì lúc này đồng bào vùng biên tụ tập đông đúc trước cửa biên giới. Để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước, chính quyền địa phương nơi đây đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân hai nước có cơ hội thường xuyên gặp gỡ và giao thương.

Đến chiều chợ vãn dần, mọi người tranh thủ chất hàng lên gùi, lên xe, lên ngựa để về nhà kẻo mặt trời khuất núi. Những cô gái Mông má đỏ hây hây trong nắng chiều đi thành từng nhóm mặt mày rạng rỡ sung sướng. Sau một ngày gặp gỡ bạn bè, trao nhau địa chỉ và số điện thoại giữa chợ, mặt ai cũng chứa đầy niềm vui, trên lưng chứa đầy hàng. Chỉ tạm xa nhau vài ngày thôi, mọi người lại xuống chợ gặp nhau ở phiên chợ đầu năm mới. 

Tác giả bài viết: https://amp.cand.com.vn/Phong-su/di-cho-doan-ket-mien-bien-vien-i682670/

 Tags: thân mật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây