Bắc Giang nhân rộng chợ an toàn thực phẩm

Thứ hai - 21/11/2022 20:38 296 0
Nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng cao song hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mới có 02 chợ được hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm, quá ít so với tổng số chợ trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm là vấn đề cần được tỉnh quan tâm.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay có 132 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I (chợ Thương, TP. Bắc Giang, do tỉnh quản lý), 22 chợ hạng II (do cấp huyện quản lý), 109 chợ hạng III (do cấp xã quản lý). 

Đại diện Ban Quản lý chợ Mọc và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang kiểm tra một số quầy hàng bán thực phẩm tại chợ.
Đại diện Ban Quản lý chợ Mọc và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang kiểm tra một số quầy hàng bán thực phẩm tại chợ.

Mạng lưới chợ đang là loại hình thương mại phát triển phổ biến, có vị trí rất quan trọng trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân. Có 131/132 chợ là chợ bán lẻ, chủ yếu kinh doanh tổng hợp phục vụ nhu cầu dân sinh, chưa có chợ chuyên doanh, chợ đầu mối. 

Ngành hàng kinh doanh chính tại các chợ là thực phẩm tươi sống, tạp hóa, may mặc, thực phẩm công nghệ, nông sản khô và sơ chế. Các chợ trên địa bàn tỉnh được hình thành đã lâu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.

Qua tìm hiểu, hầu hết các chợ dân sinh đều có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (ATTP) như khu vực bày bán thực phẩm thiếu vệ sinh và nguồn thực phẩm khó kiểm soát xuất xứ, chất lượng. Có thể dẫn chứng một số chợ tại huyện Tân Yên, như chợ Lữ Vân, xã Phúc Sơn. Đây là 1 trong 13 chợ dân sinh trên địa bàn huyện. Chợ họp theo phiên, vào các ngày âm lịch có số cuối là 1, 4, 6, 9. 

Chợ bán đa dạng hàng hóa, trong đó có các loại thực phẩm như thịt lợn, gà, cá, rau, củ quả... Hạ tầng chợ Lữ Vân được đầu tư xây dựng khá khang trang song những hàng thịt lợn lại được bày bán trên các bàn, phản rất sơ sài. Có nhiều phản thịt chỉ cách mặt đất khoảng 20 cm, không được che đậy để tránh bụi bẩn. Các quầy hàng rau củ, quả cũng được bày ngay dưới mặt đất, thiếu vệ sinh. 

Khi được hỏi về nguồn hàng, chị N, chủ một quầy bán thịt lợn ở chợ Lữ Vân chia sẻ, thường chị thu mua lợn của các hộ chăn nuôi ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên) hoặc địa phương lân cận về giết mổ, hoặc gom thịt từ các thợ giết thịt mang đến chợ tiêu thụ. 

Không chỉ ở Tân Yên, tại các chợ nông thôn khác như: Chợ Triển, xã Mỹ Thái (Lạng Giang), chợ Lai, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) hay chợ Nội Bò, xã Đức Giang (Yên Dũng)… cũng xảy ra nguy cơ mất vệ sinh tương tự. Việc kiểm soát đầu vào và chất lượng thực phẩm rất khó khăn.

Các quầy hàng trong chợ Hà Vị được sắp xếp ngăn nắp, hợp vệ sinh
Các quầy hàng trong chợ Hà Vị được sắp xếp ngăn nắp, hợp vệ sinh.

Nhằm hạn chế nguy cơ mất vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã tham mưu xây dựng 2 mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh ATTP, gồm: Chợ Hà Vị (năm 2013) và chợ Song Mai (năm 2018). Các mô hình được hỗ trợ biển, bảng, pano khẩu hiệu, tuyên truyền về vệ sinh ATTP. Các tiểu thương được hỗ trợ thay mới mặt bàn gỗ bày bán thịt bằng mặt bàn Inox để bảo đảm vệ sinh. Các chợ cũng xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước, rác thải, quy hoạch lại các khu vực bán hàng, bảo đảm hợp vệ sinh. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý chợ Hà Vị cho biết, tiểu thương trong chợ được giới thiệu, ký hợp đồng cung ứng thực phẩm sạch, như: Rau, quả của HTX Sản xuất - tiêu thụ rau quả an toàn Đa Mai (TP Bắc Giang); thịt lợn, gia cầm của các HTX sản xuất, chăn nuôi gà đồi, lợn tại Yên Thế… Các HTX cung ứng thực phẩm cử người đến chợ Hà Vị, Song Mai hỗ trợ đóng gói và bán sản phẩm.

Tuy nhiên, đến nay các mô hình chợ bảo đảm vệ sinh ATTP lại chưa được nhân rộng. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất hạ tầng các chợ trên địa bàn tỉnh thấp, đặc biệt là chợ ở nông thôn. Đa số các chợ chưa có hệ thống xử lý chất thải, nhiều chợ nền chưa được bê tông hoá. 

Việc hình thành và quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hoạt động của ban quản lý hoặc tổ quản lý chợ chủ yếu thực hiện chức năng thu phí. Nhiều nội dung quản lý chợ còn buông lỏng, nhất là công tác vệ sinh ATTP.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, để nhân rộng mô hình chợ bảo đảm vệ sinh ATTP, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Các xã có chợ khi xây dựng đạt tiêu chí NTM nâng cao cần đáp ứng chỉ tiêu có mô hình chợ bảo đảm vệ sinh ATTP, hoặc đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. 

Trong quá trình cấp phép đầu tư hạ tầng chợ phải yêu cầu tiêu chuẩn về chợ bảo đảm ATTP; chú trọng quy hoạch tổng thể chợ và thiết kế chi tiết khu bán hàng thực phẩm, bảo đảm thuận tiện khi mua bán, ATTP, vệ sinh môi trường. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương phối hợp quản lý ATTP từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. 

Thiết lập và duy trì hoạt động chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng - tiêu thụ. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ nông dân và tiểu thương sản xuất, kinh doanh nông sản bảo đảm ATTP. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, sớm phát hiện mối nguy mất ATTP và xử lý các trường hợp vi phạm.

Tác giả bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/bac-giang-nhan-rong-cho-an-toan-thuc-pham-a183691.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây