Hậu Giang: Giải pháp thúc đẩy liên kết và tiêu thụ nông sản

Thứ hai - 21/11/2022 02:24 220 0
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là nông dân.
Các sản phẩm từ cá thác lác ở các cơ sở sản xuất trong tỉnh tiêu thụ ổn định nhờ có sự liên kết và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tăng hiệu quả sản xuất

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”... 

Mô hình trồng dưa lưới ở HTX dưa lưới Thuận Phát có liên kết chặt chẽ nên đầu ra ổn định.

Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong mọi tình huống, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin đối với nhà phân phối, người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất không có truy xuất nguồn gốc ít nhất 20%. Mặt khác, hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày nay có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm hơn về chất lượng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi chúng ta cung cấp hàng hóa ra những thị trường thế giới, đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe phù hợp với từng quốc gia nhập khẩu. Đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Như mô hình “Tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nấm rơm trong nhà và phân hữu cơ theo chuỗi giá trị” được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang triển khai ở các địa phương trong tỉnh đã mang lại nhiều kết quả. Như tận dụng phụ phẩm trong canh tác lúa để trồng nấm rơm theo kỹ thuật tiên tiến là trồng trong nhà có gắn thiết bị cảm biến nhiệt độ, phun sương... và kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp tăng thêm thu nhập nông hộ. Ngoài ra, khi phụ phẩm là rơm rạ sau chất nấm được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón lại cho cây trồng, tránh lãng phí và góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sản phẩm nấm rơm làm ra được liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết giúp ổn định đầu ra, nông dân an tâm canh tác. Mô hình đã mang lại thu nhập cho nông dân trên 100 triệu đồng/năm/100m2 nhà trồng nấm và trừ chi phí nông dân còn lợi nhuận trên 80 triệu đồng/năm/100m2 nhà trồng nấm. Từ 10 nhà ban đầu đến nay đã có hơn 40 nhà khác đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn người dân ghi nhật ký sản xuất trên sổ ghi chép và ghi nhật ký điện tử để thuận tiện trong truy xuất thông tin sản phẩm.

Đón đầu xu thế phát triển

Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Cổng thông tin này sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ. Các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo các nguyên tắc bền vững, trách nhiệm và minh bạch, thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần không nhỏ trong xây dựng thương hiệu Nông sản Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước đã thiết lập và không ngừng hoàn thiện quy định pháp lý về chất lượng an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất kinh doanh từ khâu sản xuất ban đầu cho tới tay người tiêu dùng.

Như HTX dưa lưới Thuận Phát, ở huyện Phụng Hiệp, trung bình mỗi năm HTX sản xuất ra khoảng 200 tấn dưa lưới với giá tiêu thụ 30.000 đồng/kg. Theo lãnh đạo HTX, từ năm 2018, HTX trồng theo hướng trái cây sạch, đến năm 2019 được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang cho vay từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 50% giống (cho 1ha), HTX đã mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh còn hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo GlobalGAP. Đến nay, sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản. Sản lượng và chất lượng sản phẩm của HTX rất ổn định và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Với diện tích sản xuất ban đầu khi HTX vừa đi vào hoạt động năm 2018 là 0,82ha. Sau 4 năm thì đến nay HTX dưa lưới Thuận Phát có tổng diện tích sản xuất là 1,8ha, với 20 thành viên tham gia. Tới đây, HTX tiếp tục hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Mở rộng diện tích sản xuất, kết nạp thêm thành viên, đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, các mô hình sản xuất như cánh đồng mẫu lớn, các hợp tác xã, tổ hợp tác hình thành và ngày càng lớn mạnh. Sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa doanh nghiệp - người sản xuất - cơ quan quản lý và nhà khoa học là cơ sở, tiền đề để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng tầm nông sản Hậu Giang lên một bước và là cơ hội để tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Tới đây ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ giới hóa và truy xuất nguồn gốc nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành để đủ sức cạnh tranh, đồng thời phải truy xuất được thông tin để phục vụ xuất khẩu nhằm mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân. Tiến tới thành lập các hợp tác xã sản xuất cây ăn trái đủ lớn, mạnh để tự tìm kiếm và ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ hoặc tự xuất khẩu sản phẩm của hợp tác xã mình sản xuất được nhằm tránh việc tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu, nhiều trung gian. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân bằng việc thực hiện nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả để người dân tiếp cận...

Tác giả bài viết: https://www.baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/giai-phap-thuc-day-lien-ket-va-tieu-thu-nong-san-116946.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây