Thống kê cho thấy, bên cạnh 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, Việt Nam có khoảng 9.000 chợ truyền thống. Tại các địa phương, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ vẫn đang chiếm khoảng 50%.
Vướng kinh phí đầu tư
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động đầu tư và phát triển chợ, hầu hết các tỉnh thành hiện nay đều có mô hình HTX quản lý chợ, từ đó tạo điều kiện cho chợ nông thôn có bước phát triển, ngày càng hiện đại và đồng bộ hơn.
Tuy nhiên, công tác đầu tư phát triển hệ thống chợ của các HTX hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ông Huỳnh Tấn Nhân, Phó Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Lương Hòa A (Sóc Trăng) cho biết với nguồn lực của các thành viên, HTX đã đầu tư cải tạo một số hạng mục để nâng cấp chợ với vốn đầu tư 200 triệu đồng.
Song nguồn vốn của HTX còn hạn chế do những năm trước ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên số lượng người bán không nhiều. Hiện, doanh thu năm 2022 không đủ bù đắp các khoản khấu hao và phục vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ.
|
Trên thực tế, trong khoảng 9.000 chợ trên cả nước thì chỉ có 20% là chợ loại I, còn lại là chợ loại II và III. Chính vì vậy mà khi có chủ chương xã hội hóa chợ, các HTX được chuyển giao, tiếp nhận các chợ chủ yếu trong điều kiện đã xây dựng lâu năm, hạ tầng xuống cấp. Trong khi kinh phí cải tạo chợ ở các địa phương còn ít, nguồn vốn góp của các HTX có hạn lại khó tiếp cận vốn tín dụng nên việc nâng cấp chợ đã khó, việc xây mới lại càng khó hơn bởi chi phí để nâng cấp, xây mới chợ là rất lớn.
Đã vậy, tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ có nêu “không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo chợ”. Điều này cho thấy, chỉ các HTX nào thực sự mạnh, có nguồn vốn lớn và cách quản lý linh hoạt mới có thể tham gia xã hội hóa chợ hiệu quả trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Bà Trần Thị Hương, Giám đốc HTX Phong Toàn (Nghệ An) cho biết, sau khi được chuyển giao từ địa phương, HTX đã tiến hành đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn vốn góp cổ phần của thành viên và các hộ tiểu thương với quy mô công trình 2 tầng kiên cố, 400 quầy kinh doanh. Tuy nhiên, do việc phân bố chợ, siêu thị... trên địa bàn chưa phù hợp cùng với việc các chợ tạm, chợ cóc mọc lên nhan nhản nên dù đầu tư mới nhưng đến nay, công suất hoạt động của chợ mới chỉ đạt khoảng 40%.
Ai giúp HTX thay đổi?
Thực tế cho thấy, dù chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mô hình bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống vẫn phát triển và khẳng định được vai trò của mình trong nền kinh tế. Đặc biệt, mô hình HTX quản lý chợ đang thể hiện được tính ưu Việt khi các thành viên cũng là chủ HTX nên rất có ý thức trong các hoạt động và công tác quản lý chợ.
Bên cạnh đó, so với các chợ hoạt động theo hình thức ban quản lý, tổ quản lý thì mô hình HTX quản lý chợ, Nhà nước có thể chuyển giao cơ sở hạ tầng chợ cho HTX dưới hình thức thuê đất hoặc thuê tài sản dài hạn. Cơ sở hạ tầng này sẽ là tài sản không chia của HTX do Nhà nước hỗ trợ.
Nếu HTX không còn tồn tại, tài sản được chuyển trả lại cho Nhà nước theo quy định. Và HTX chủ động về tài chính, đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho chợ và quản lý điều hành không phải phụ thuộc ngân sách.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở các địa phương cho thấy có nhiều nguyên nhân chưa thu hút được các HTX tham gia vào xã hội hóa chợ. Điều này là do đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ từ ban quản lý, tổ quản lý sang HTX/doanh nghiệp quản lý chợ một cách chi tiết, cụ thể. Từ đó, khiến các địa phương và cả các HTX, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khi triển khai thực hiện.
Nhiều đại diện HTX cho biết, việc đến nay chưa có hướng dẫn về đơn giá trong việc lập dự toán kinh phí thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án chuyển đổi mô hình chợ… nên gây rất nhiều khó khăn cho HTX. Đó là chưa kể, nhiều tiểu thương bị thất lạc các hợp đồng cho thuê quầy, sạp, kiot… khiến HTX khó khăn trong việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản tại thời điểm nhận bàn giao quản lý hay ký lại hợp đồng cho thuê với tiểu thương.
Theo các chuyên gia, trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn lại gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các mô hình bán lẻ hiện đại, bản thân chợ truyền thống và các HTX quản lý chợ chắc cũng có nhu cầu thay đổi, nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ giúp được các HTX thay đổi?
Bên cạnh đó, các HTX chợ cũng chưa xây dựng được mối liên kết thực sự đủ lớn như Liên hiệp HTX chợ hay hiệp hội theo một cách đúng nghĩa để ngồi lại với nhau tìm những hướng đi hiệu quả, hay ít ra là giữ được những giá trị mà mình đang có.
Chính vì vậy, để phát huy được vai trò của mô hình HTX quản lý chợ, các cơ quản quản lý, các địa phương nên hỗ trợ HTX bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ về đất đai, các thủ tục trong quá trình chuyển giao hoặc hoạt động. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng cho HTX vay vốn, cho vay vốn ưu đãi từ các nguồn giải ngân, viện trợ… để nâng cấp, sửa chữa chợ.
Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ lãi suất hoặc áp dụng chính sách cho vay kích cầu đối với các HTX có dự án đầu tư xây dựng chợ mới. Vì nguồn vốn của các HTX chủ yếu là huy động từ các thành viên nhưng đang gặp khó bởi những quy định về góp vốn trong Luật HTX năm 2012.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, cho rằng sau khi cải tạo và xây dựng chợ, các HTX cũng cần có bộ máy quản lý mạnh, đủ các quy chế, quy định để có thể tự chủ trong việc hạch toán, quản lý chi phí. HTX cũng cần coi trọng việc tổ chức nguồn hàng có nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ với các kênh bán hàng có ưu thế hơn đang lấn át thị phần.
Còn đối với các HTX quản lý chợ đầu mối, cần thực hiện việc giao dịch công khai minh bạch thông qua sàn giao dịch đấu giá nông sản, thực phẩm, góp phần ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ, qua nhiều khâu trung gian và không được kiểm soát. Đây cũng là vấn đề nhiều năm chưa khắc phục được tại các chợ truyền thống.
Tác giả bài viết: https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/tim-huong-di-cho-htx-quan-ly-cho-1090439.html
Ý kiến bạn đọc