Theo thống kê của ngành chuyên môn, chỉ trong một năm triển khai Chương trình OCOP (năm 2019), trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 39 sản phẩm đạt sao OCOP, với đa dạng các nhóm thực phẩm như: đồ uống, thảo dược, sản phẩm mỹ nghệ, dịch vụ du lịch nông thôn… Đến năm 2022, số lượng sản phẩm đạt sao OCOP đã tăng lên đáng kể với 189 sản phẩm, trong đó có 169 sản phẩm đạt 3 sao OCOP; 19 sản phẩm đạt 4 sao OCOP và 1 sản phẩm đạt 5 sao OCOP. Để đạt và vượt số lượng sản phẩm đạt sao OCOP theo mục tiêu của Chương trình OCOP đề ra, trong hơn 3 năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Chương trình OCOP và các tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP bằng cách phát hành hơn 95.000 tờ rơi; xây dựng hơn 120 cụm pano triển khai đến các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ phụ trách chương trình tại các địa phương và chủ thể, cũng như hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị máy móc; bao bì; nhãn mác; giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm… cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, nhằm tạo điều kiện để chủ thể cải tiến quy trình sản xuất đóng gói, cải thiện nhãn mác bao bì sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.
Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Trần Văn Phương, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bộc bạch, nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật tại hộ của ngành Nông nghiệp tỉnh mà sản phẩm trái vú sữa bơ hồng do anh canh tác đã đạt 4 sao OCOP trong năm 2022. Khi trái vú sữa đạt sao OCOP, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến và sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là thu hút các công ty, doanh nghiệp tìm đến ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, trái vú sữa còn được đưa đi trưng bày tại các cuộc hội nghị, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp cho hộ canh tác tăng thu nhập, an tâm sản xuất.
“Mục tiêu của Chương trình OCOP đến năm 2025 là có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng hạng ít nhất 50 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại… Để đạt các mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện các giải pháp, đó là: đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp và người dân toàn tỉnh; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận sao OCOP…” – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Lê Văn Đáng thông tin.
Thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Với·thế mạnh Chương trình OCOP đem lại, các địa phương nghiên cứu bố trí nguồn lực triển khai chương trình phù hợp, nhằm phát triển các sản phẩm OCOP nhiều hơn nữa. Riêng các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp tục nâng hạng sản phẩm OCOP, mở rộng quy mô sản xuất và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước, kể cả xuất khẩu.
Tác giả bài viết: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/chuong-trinh-ocop-chia-khoa-phat-trien-kinh-te-nong-thon-62519.html
Ý kiến bạn đọc