Chợ nông sản Vị Thanh nằm gần cầu Cái Nhúc, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Vị Thanh. Theo tiểu thương, chợ có từ hơn 10 năm trước, chuyên bán nông sản địa phương. Người bán thường ngồi xổm hoặc kê ghế nhỏ, bày biện hàng hóa trong khoảng hai đến bốn mét vuông quanh mình. Do đó, nơi này còn được gọi bằng cái tên dân dã là chợ "chồm hổm". Ảnh: Trần Thủ An
Tiểu thương phần lớn là nông dân, tự trồng rau củ hay phơi tôm cá mang ra chợ bán, không phải mua qua trung gian. Do đó, giá cả thường rẻ hơn những khu chợ khác tại Vị Thanh.
Chợ còn được gọi là chợ "đống" vì hàng hóa, nông sản được bày trên tấm bạt, chất thành các đống dưới đất. Riêng các loại khô, mắm được kê cao hơn cho đỡ bụi bặm.
Cá bống dừa đã được làm sạch giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg. Nếu muốn mua các loại cá nước ngọt tươi ngon, du khách nên đến chợ thật sớm.
Tranh thủ lúc chưa có khách, tiểu thương sắp xếp, vẩy nước cho mớ rau tập tàng tươi xanh lâu hơn. Rau tập tàng gồm nhiều loại rau dại khác nhau như nhãn lồng, đọt choại, mồng tơi, rau má, cải trời, rau dền... mọc tự nhiên, không bón phân thuốc. Mỗi loại lại là một vị thuốc Nam giúp thanh nhiệt cho cơ thể.
Một sạp hàng bán đủ thành phần của cây sen từ củ, ngó, hạt đến gương.
Chợ quê bán những món dân dã, trong đó có cả trái giác, loại mọc hoang dọc các kênh rạch. Người dân chỉ tốn công hái chứ không phải trồng. Trái giác màu xanh đậm, bóng bẩy, tròn và hơi dẹp, chuyên dùng để nấu canh chua hay kho cá. Trái giác non có vị chua chát, càng lớn càng chuyển vị từ chua thanh sang chua ngọt, nên hễ ai thích vị gì thì lựa theo cỡ mà mua.
Chợ họp từ 2h đến hơn 10h là tan, đông đúc nhất từ 6h đến 8h. Chị Vĩnh Bình, 40 tuổi, đến chợ Vị Thanh mua sắm nhiều năm qua, chia sẻ: "Chợ rất nhộn nhịp và thực phẩm đều tươi ngon, giá rẻ. Bên cạnh đó, tôi rất thích hình ảnh người bán, người mua tấp nập, ngồi xổm nói chuyện với nhau, gợi nhớ lại một ký ức xưa của Nam Bộ giữa thời hiện đại".
Tác giả bài viết: https://vnexpress.net/cho-chom-hom-chi-ban-cua-nha-trong-duoc-4272974.html
Ý kiến bạn đọc