Chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) sáng Chủ nhật náo nhiệt người mua kẻ bán. Người Tày, người Dao, người Sán Chỉ… đến chợ không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn gặp gỡ, giao lưu với nhau.
Chợ phiên truyền thống ở trung tâm huyện trước đây họp 6 phiên mỗi tháng Âm lịch, nhưng từ những năm 1970 đã chuyển sang ngày Chủ nhật để bà con tiện đi lại, mua bán. Hàng hoá cũng có sự thay đổi, ngoài nông lâm, thổ sản, nông cụ, mật ong, lá thuốc rừng, các loại bánh trái (cóoc mò, bánh ngải, bánh gật gù…) thì nay có thêm nhiều hàng tiêu dùng, thực phẩm từ miền xuôi, các huyện lân cận đưa tới.
Ngược lên biên giới 30km, chợ phiên xã Đồng Văn dưới chân núi Cao Ba Lanh lại có những nét riêng khác biệt. Chợ nhỏ, những gian hàng lúp xúp nhuốm màu thời gian. Bên này ông lão Tày khoe con dao đi rừng sáng quắc, bên kia cô gái Dao Thanh Phán mời mua tấm vải hoa, nụ cười lấp lánh chiếc răng bịt vàng. Nhưng hấp dẫn nhất phải kể đến dãy hàng ăn cuối chợ, nơi những quán phở xào san sát nhau, mùi thơm ngào ngạt.
Phở xào Bình Liêu đâu cũng có, nhưng ngon nhất chỉ có chợ Đồng Văn. Nhiều người đi chợ cũng chỉ là để ăn phở xào, nhâm nhi chén rượu men lá thơm nồng cùng bạn bè. Thế nhưng, để thưởng thức món phở xào này cũng là một kỳ công bởi quán chỉ bán bánh phở, thực khách phải tự ra chợ mua thịt lợn, rau đậu theo ý thích, mang tới cho chủ quán xào to lửa trên chiếc chảo cỡ lớn cùng xì dầu, gia vị.
Theo chị Vy Thị Bích - người đã có cả chục năm xào phở ở chợ Đồng Văn, đĩa phở xào chẳng bao giờ giống nhau, dù có cùng nguyên liệu là bánh phở tráng thủ công, trắng ngần, thơm dẻo. "Mỗi sáng, tôi dậy từ 3-4h, xay bột, tráng bột, đến tầm 7-8h là có phở để xào, cứ có khách vào quán lúc nào thì xào lúc ấy. Nhiều nhất là ngày hội, có khi hết mười mấy cân gạo để xay bột phở. Người ta đem đến hoặc dặn mua hộ thức ăn gì thì xào cho họ, xào xong nóng hổi ăn luôn là ngon nhất".
Ngày chợ ở Đồng Văn thực sự trở thành ngày hội vào dịp Kiêng gió hàng năm. Người Dao ở đây tin rằng trong ngày 4/4 Âm lịch, dù có làm bất cứ điều gì cũng không thuận lợi, dựng nhà thì nhà đổ, làm nương thì cây lúa chẳng trổ bông... Họ tạm gác lại mọi công việc, thả trâu lên rừng, cả bản rủ nhau “mì sèng phẩy hêy dảo”, theo tiếng Dao có nghĩa là “đi chơi chợ mùng 4 tháng Tư”. Áo đỏ người Dao, áo xanh người Sán Chỉ, áo chàm người Tày dập dìu, già trẻ trai gái ríu rít trong phiên chợ đông vui. Người hẹn hò gặp gỡ kết thân, kẻ tâm sự ôn chuyện quá khứ, nói chuyện tương lai, hát câu Pả dung, thi kéo co, đẩy gậy…
Một người dân xuống chợ chia sẻ: "Bây giờ thì mình cũng theo ngày xưa, không đi làm đâu, xuống chợ chơi thôi. Gặp bạn bè, người yêu cũ cũng được, nói chuyện vui vẻ, không có gì phải ngại cả, ai cũng thế mà". Còn về du khách, anh Charles Britan bày tỏ hào hứng trong dịp đến Bình Liêu: "Tôi rất ngạc nhiên về phong cảnh của Bình Liêu, cách không xa Hạ Long nhưng lại có núi rừng, thác suối hùng vĩ và các lễ hội đặc sắc. Đi chợ để thấy đời sống của người dân ở đây đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng".
Cứ thế, phiên chợ đã chứng kiến bao đôi trai gái nên duyên, bao người đi xa mong ngóng trở về. Bình Liêu ngày càng gần với miền xuôi, khách du lịch tới đây ngày một đông hơn trước, và chợ phiên cũng trở thành điểm đến văn hoá không thể bỏ qua với mỗi người.
Nhiều nét đặc trưng về thiên nhiên, văn hoá đã và đang được Bình Liêu khai thác trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn suốt 4 mùa trong năm, Hội Soóng cọ, Kiêng gió, Hội Mùa vàng, Hoa sở… Một phiên chợ đêm cũng đang có kế hoạch được ra mắt, tái hiện không khí sôi động của các làn điệu dân ca truyền thống (hát then - đàn tính của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát pả dung của người Dao...) cùng các trò chơi dân gian hấp dẫn. Đây sẽ là nơi để du khách thưởng thức ẩm thực, mua sắm các sản phẩm OCOP, đặc sản miến dong, dầu sở, hồi, quế,… và thực sự hoà mình vào không gian văn hoá vùng sơn cước Bình Liêu một cách chân thực nhất.
Tác giả bài viết: https://vov.vn/du-lich/check-in/check-in-cho-phien-vung-cao-binh-lieu-post1004302.vov
Ý kiến bạn đọc