Các chính sách toàn cầu tác động tới việc thu hút đầu tư tư nhân tại Việt Nam như thế nào, đây là một vấn đề được đề cập tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 16/6 tại Hà Nội.
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tổ chức, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Không bỏ trứng vào một giỏ
Theo báo cáo của nhóm công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn, thì “Việt Nam đã khôn ngoan khi không bỏ hết trứng vào cái giỏ TPP”.
Ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác, cho rằng “trên thực tế, chúng ta có thể nói rằng Việt Nam không chỉ có kế hoạch B, mà còn có cả kế hoạch C, D, E, F và G” khi chính quyền mới của Hoa Kỳ ngay lập tức rút khỏi TPP.
Việt Nam là một ví dụ điển hình về các lợi ích tiềm năng trong thương mại toàn cầu, khi phát triển nhanh chóng từ một quốc gia gần như không có bất kỳ hoạt động thương mại nào vào năm 1990 để trở thành một quốc gia xuất khẩu hàng đầu đáng kể nhất của thế giới, ông Fred Burke nói thêm.
Các lĩnh vực xuất khẩu cụ thể mà nhóm công tác nhắc tới là may mặc, giày dép, hải sản, các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê, đồ nội thất và gần đây còn có các sản phẩm điện tử và phần mềm.
Sau khi TPP bị dừng, Việt Nam có hàng loạt lựa chọn. Trong đó, ông Fred Burke cho rằng kế hoạch B là Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại - hiệp định đa phương duy nhất trong vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO được ký kết, thông qua thành công và có hiệu lực từ 22/2/2017.
Tuy nhiên, Việt Nam phải chuẩn bị rất nhiều để thực thi hiệp định này bao gồm cả việc khởi động Ủy ban Quốc gia về Tạo thuận lợi thương mại và việc ký Hiệp định song phương về Hợp tác Hải quan với các đối tác thương mại chính. WTO ước tính rằng chỉ riêng hiệp định này cũng có thể làm giảm đến 20% các chi phí cho chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp cho các quốc gia thực hiện hiệp định trở nên cạnh tranh hơn trên các thị trường toàn cầu.
Kế hoạch C
Tiếp theo, “Kế hoạch C” là tiếp tục thực hiện các cam kết của Việt Nam và các thỏa thuận khi gia nhập WTO năm 2007. Điều này sẽ bao gồm việc hoàn tất một số việc chưa hoàn thành như loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết và gây phiền hà đối với việc kinh doanh và phân phối các sản phẩm nước ngoài.
Theo nhóm công tác, việc thực hiện các cam kết WTO khác đã mang lại những thay đổi đáng kể đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam, cải thiện đời sống người tiêu dùng nói riêng cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc vào việc tiếp cận chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu để duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Còn Kế hoạch D là theo đuổi lộ trình của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đối với hội nhập khu vực. Theo ông Fred Burke, Việt Nam đã trở thành quốc gia ASEAN xuất khẩu hàng đầu vào Hoa Kỳ cũng như dẫn đầu trong công cuộc cải cách và phát triển. Chính ASEAN được kỳ vọng sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2018.
Điều này tạo các cơ hội thực sự cho các doanh nghiệp Việt Nam thử sức mình tại các thị trường dễ tiếp cận và thân thiện “gần sân nhà”. Việc tiếp tục hài hòa hoá các quy định thủ tục, miễn thị thực cho các thể nhân, và các động thái khác để giúp việc lưu chuyển vốn, hàng hoá và dịch vụ tự do hơn trong khu vực ASEAN để góp phần thắt chặt mối liên kết đặc biệt của ASEAN với tư cách là một hiệp hội kinh tế.
Trong khi đó, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng tiếp tục cho phép Việt Nam nhập khẩu các nguyên liệu thô, linh kiện và các thiết bị từ Trung Quốc để lắp ráp các sản phẩm tại Việt Nam cho các thị trường quốc tế ở mức giá cạnh tranh.
Kế hoạch E: TPP 11
Trong khi đó, Kế hoạch E bao gồm việc theo đuổi các thoả thuận song phương và đa phương đang chờ ký kết, như FTA Việt Nam - EU, “TPP-11”, RCEP và các hiệp định đang chờ ký kết khác
Đứng đầu trong danh sách hiện nay là TPP 11 (tức là TPP không có Hoa Kỳ). Các cuộc họp giữa các quốc gia TPP 11 đều có triển vọng và một nghiên cứu đáng tin cậy bậc nhất từ Canada cho rằng hiệp định đó sẽ đem lại các lợi ích đáng kể.
Các hiệp định thương mại quốc tế khác đang chờ ký kết và có thể chẳng bao lâu nữa sẽ được hiện thực hoá bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU ("EVFTA") đã được ký và đang chờ 27 Nghị viện châu Âu phê chuẩn và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ("RCEP"), là khối thương mại khổng lồ bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ cũng như hầu hết các nước Đông Nam Á và Australia nhưng không có Hoa Kỳ.
“Không có hiệp định nào trên đây loại trừ lẫn nhau. Trên thực tế, các hiệp định này bổ sung cho nhau để “lập nên một khối vững mạnh hơn toàn bộ các phần hợp thành”. Nhiều cơ hội thương mại hơn dẫn đến việc tập hợp các nguồn lực mang tính cạnh tranh hơn và Việt Nam cần tiếp tục chiến lược đa phương của mình để nắm bắt càng nhiều cơ hội như vậy càng tốt”, nhóm công tác nhận định.
Kế hoạch F - Tiếp tục cải cách trong nước
“Kế hoạch F” bao gồm việc tiếp tục các cải cách kinh tế và hành chính trong nước mà Việt Nam cần để duy trì tính cạnh tranh và xây dựng nhằm giảm nghèo và tiến lên một tầm cao mới trong việc phát triển kinh tế.
Cụ thể, tiếp tục các cải cách thủ tục hành chính để nâng cao vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp để cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, đầu tư hiệu quả hơn vào các cơ sở hạ tầng và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để cắt giảm nguồn vốn mà các doanh nghiệp này rút ra khỏi nền kinh tế.
Nghị quyết 35 đã hỗ trợ rất nhiều đối với vấn đề này và tinh thần của văn bản quan trọng này cần được thực hiện một cách kiên quyết hơn nữa.
Kế hoạch G - FTA song phương với Hoa Kỳ
Mặc dù đã rút khỏi TPP, Hoa Kỳ vẫn tuyên bố quan tâm đến việc theo đuổi Hiệp định Thương mại tự do song phương với Việt Nam.
Theo ông Fred Burke, cũng là điều dễ hiểu khi các nhóm lợi ích kinh doanh Mỹ sẽ đòi hỏi việc gia tăng tiếp cận thị trường như một phần của thỏa thuận FTA và chính quyền Trump mong muốn thể hiện được lợi ích từ hoạt động xuất khẩu ngay lập tức cho Hoa Kỳ.
Việt Nam có thể biến điều này thành cơ hội để tăng tốc lộ trình để tiếp cận thị trường lẫn nhau tại thị trường Mỹ. Trong khi thỏa thuận song phương có thể không phải là phương án hiệu quả và hữu hiệu nhất, miễn là hai bên có sẵn nguồn nhân lực (các chuyên gia đàm phán có kinh nghiệm) thì thỏa thuận song phương đó có thể phù hợp và bổ sung cho các sáng kiến thương mại khác đã được đề cập ở trên.
“Nhìn chung, Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi để gặt hái các thành quả bằng cách thực hiện chiến lược hội nhập toàn cầu của mình bất kể việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, dựa trên số lượng các sáng kiến song phương, đa phương và nội địa mà Việt Nam đang theo đuổi”, nhóm công tác nhận định.
Tác giả bài viết: Hà Chính
Ý kiến bạn đọc