Sáng 17/1, tại trục đường trung tâm thôn Thanh Vinh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, nhiều thương lái đưa tre về bán phục vụ nhu cầu dựng nêu ngày Tết của người dân. Trên mảnh đất trống, họ xếp những cây tre thẳng, hoặc cong theo một hướng, còn nguyên ngọn, cao 5-9 m.
"Tre tầm 1-1,5 tuổi, nếu già quá ngọn cây khô, xấu", ông Lê Tiến Dụng (63 tuổi, trú xã Thanh Trạch) giải thích. Ba ngày trước, ông đã đi nhiều xã miền núi ở huyện Tuyên Hóa chọn được 200 cây tre, sau đó phụ với chủ vườn chặt rồi thuê xe tải chở về thôn bán. May mắn chọn được vườn đẹp thì chỉ một hộ dân là đủ tre bán, nhưng có khi phải đi 2-3 xã mới tìm được tre ưng ý.
Buổi sáng mở bán đầu tiên, ông Dụng bán được hơn 20 cây, giá 200.000-250.000 đồng/cây, đắt hơn năm ngoái 50.000 đồng. Đây chỉ là việc làm thời vụ, khoảng 10 ngày trước Tết, cho ông nguồn thu khoảng 10 triệu đồng.
Tương tự anh Nguyễn Văn Dũng cũng lên xã miền núi Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa để mua tre. "Bà con đi mua đông nhất thường vào ngày 27-28 Tết. 250 cây tre của tôi dự kiến bán hết trước ngày 30 Tết", anh Dũng cho hay.
Năm nay, xã Thanh Trạch có hơn 10 điểm bán tre, tập trung ở các mảnh đất trống dọc đường trung tâm để người dân dễ lựa chọn.
Chọn được cây nêu cao 9 m, thẳng tắp, lá xanh với giá 250.000 đồng, ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng thôn Thanh Vinh, cho hay phong tục dựng nêu ngày Tết có từ lâu đời, nay ông và con cháu kế tục. Xưa tre trồng quanh nhà nên đến Tết chỉ ra vườn tìm chọn cây đẹp. Nay đô thị hóa, tre ít dần phải ra chợ mua.
"Đúng trưa 30 Tết gia đình thắp hương vái lạy trời đất rồi dựng nêu, mùng 7 tháng giêng thì hạ nêu. Dựng nêu là để xua đuổi tà ma, hấp thụ tinh hoa của trời đất, cầu mong gia đình sức khỏe, bình an. Dựng nêu thuận lợi thì trong những ngày Tết mọi người có tâm lý phấn khởi vui xuân", ông Thu cho biết.
Người dân có thể dựng nêu ở cổng, trước sân nhà hoặc trên tầng hai. Cây tre được vót sạch cành lá, dựng thẳng đứng và néo bằng dây thừng, phía trên treo cờ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chủ tịch xã Thanh Trạch, cho biết xã có 3.100 hộ thì 90% hộ dựng nêu. "Đây là phong tục truyền thống độc đáo của người dân vùng biển. Tết đến, nhà nhà treo cờ Tổ quốc trên cây nêu, cờ đỏ bay phấp phới rợp cả một vùng trời rất đẹp", ông Tuệ nói.
Ngoài xã Thanh Trạch, các xã Hải Trạch, Đức Trạch, Nhân Trạch của huyện Bố Trạch cũng duy trì tục lệ dựng nêu ngày Tết. Các địa phương khác do đất chật, người đông, không đủ không gian dựng cây nêu bằng tre. Vì thế, chợ bán nêu chỉ còn xuất hiện ở một số ít xã, trở thành nét riêng có của địa phương.
Tác giả bài viết: https://vnexpress.net/cho-cay-neu-ngay-giap-tet-4561110.html
Ý kiến bạn đọc