Khởi động mô hình "Tận dụng phế phẩm từ mít" cách đây 3 năm, chị Huỳnh Thị Kim Nga và chị Lý Thị Thảo - cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - bắt đầu quan tâm hơn đến loại cây được trồng nhiều ở địa phương này.
Đưa đặc sản vươn xa
Trong thời gian mít giảm giá mạnh dẫn đến tồn đọng do ảnh hưởng dịch COVID-19, thay vì đem làm thức ăn cho dê như mọi khi, chị Nga và chị Thảo đã nảy ra một ý tưởng nghiên cứu. Hai chị đã thử nghiệm thành công sản phẩm "Bánh tráng mít Châu Anh".
Để tạo ra loại bánh này, chị Nga và chị Thảo đã mất gần 3 tháng nghiên cứu. Tuy nhiên, chừng ấy thời gian vẫn chưa là gì, khó khăn chỉ mới bắt đầu. Khi làm ra mẻ bánh đầu tiên, người khen, người chê và cũng có người góp ý nên 2 chị lo ngại thử nghiệm không thành công hoặc nếu thành công cũng chưa chắc có người mua.
Chị Nga nhớ lại: "Lúc đầu khi tôi và chị Thảo tráng ra những mẻ bánh đầu tiên, sản phẩm hơi cứng do pha nước ít, bột nhiều hoặc phơi nắng quá lâu. Sau đó, chúng tôi từ từ trao đổi với nhau nên mới sản xuất ra những cái bánh tráng mít chất lượng như hiện nay".
Để làm ra những mẻ bánh trong ngày, chị Nga và chị Thảo phải thức dậy từ 5 giờ. Mít lột xong cho vào máy xay, thêm ít nước rồi canh tỉ lệ trộn với các nguyên liệu như: bột, sữa đặc và nước cốt dừa. Bánh sau khi tráng xong đợi phơi tới trưa là cho ra sản phẩm dai mềm, ăn vào cảm nhận được hương thơm đặc trưng của mít hòa chung nước cốt dừa béo ngậy khiến người già lẫn trẻ nhỏ đều thích.
Tùy theo số lượng khách đặt, mỗi ngày, 2 chị tráng từ 100 đến 500 cái bánh. Hai chị còn tráng sẵn bánh, đem phân phối cho các tiệm tạp hóa ở địa phương. Không ít người ăn thử thấy ngon nên mua về làm quà biếu.
Hiện nay, cơ sở của chị Nga và chị Thảo sản xuất 4 sản phẩm: bánh tráng mít ăn liền, bánh tráng mít nướng, bánh tráng mít cuốn và bánh flan mít. Để mở rộng quy mô cơ sở, 2 chị đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và thành lập tổ hợp tác. Các sản phẩm của cơ sở đã đạt chuẩn OCOP 3 sao và có mặt trên sàn thương mại điện tử tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, sản phẩm của 2 chị còn đoạt giải nhất "Ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ" năm 2022 của tỉnh Hậu Giang.
Chị Thảo nói về định hướng trong tương lai: "Sắp tới, chúng tôi sẽ nâng tổ hợp tác thành HTX. Hy vọng rằng các sản phẩm từ mít của HTX sẽ không chỉ tạo ra đặc sản của huyện Châu Thành mà còn vươn xa hơn nữa để phục vụ khách du lịch khi đến Hậu Giang".
Nâng tầm sản phẩm
Cũng như nhiều thanh niên khởi nghiệp khác, anh Ngô Xuân Điền, Giám đốc Công ty CP Dược thảo Fungi (trụ sở tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã gặp thất bại nhiều lần. Anh từng mở trang trại trồng nấm bào ngư, nuôi gà Đông Tảo, nuôi bồ câu… nhưng không thành công.
Từ năm 2015, anh Điền chuyển sang nuôi cấy đông trùng hạ thảo và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Sau những lần thử nghiệm, anh đã tìm ra cách nuôi cấy loại nấm dược liệu này. Nguồn giống được anh nhập trực tiếp từ nước ngoài, qua nhiều năm thực nghiệm đã thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.
Theo anh Điền, có thể tạo ra đông trùng hạ thảo bằng 2 cách: cấy vào môi trường gạo và cấy trực tiếp vào côn trùng. Bước đầu tiên là tạo môi trường để cấy trực tiếp giống. Sau khoảng một tuần cấy, những tơ nấm bắt đầu nổi lên, sau đó nguồn giống này được đem bỏ sang môi trường gạo. Một tuần tiếp theo, bật hệ thống đèn cho ngả sang màu vàng, từ đó chuyển sang giai đoạn chăm sóc để đông trùng hạ thảo đạt kích thước theo yêu cầu.
Công ty của anh Điền hiện có 5 dòng sản phẩm chính: nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo và dầu gió đông trùng hạ thảo. Trong đó, 2 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp quận. Rượu đông trùng hạ thảo của công ty này có giá bán từ 300.000 đến 4 triệu đồng (từ 500 ml đến 6 lít), đông trùng hạ thảo tươi 290.000 đồng/hộp 100 gram, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa 500.000 đồng/hộp 10 gram…
Từ một cơ sở sản xuất ban đầu chỉ là căn phòng rộng 9 m2 và 1 nồi hấp, đến nay, diện tích nhà xưởng của công ty anh Điền nâng lên 500 m2 và được chia làm 4 khu: sản xuất, nuôi trồng, văn phòng, showroom. Ngoài ra, ông chủ công ty này còn đầu tư rất nhiều máy móc hiện đại như: tủ cấy vi sinh, máy phun sương, máy sấy, nồi hấp tiệt trùng… cùng 7 showroom tại Cần Thơ và TP HCM.
Theo anh Điền, sắp tới, công ty sẽ thành lập trung tâm sấy công nghệ cao để giúp bảo quản, xử lý sản phẩm sau thu hoạch cũng như đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất. Công ty của anh sẽ nâng tầm 2 sản phẩm OCOP cấp quận lên cấp thành phố để được nhiều người tiêu dùng biết đến và đạt doanh thu cao hơn.
Tìm hướng đi mới
Mãng cầu là loại cây ăn trái thường xuyên rớt giá, không bán được khiến chị Nguyễn Ánh Nguyệt (ngụ TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) sốt ruột, lo lắng. Để giải quyết đầu ra cho 15 công mãng cầu xiêm trong vườn nhà mình, chị quyết tự tìm hướng đi mới.
Năm 2018, chị Nguyệt bắt đầu nảy sinh ý tưởng làm trà từ mãng cầu phơi khô. Tuy nhiên, thời điểm đó, loại trà này chưa phổ biến nên dù chị có học hỏi nhiều trên mạng cũng chưa chắc có thể làm ra sản phẩm chất lượng như hướng dẫn. "Những lần đầu, trà làm ra không được như ý nên tôi phải bỏ đi. Lúc làm cũng chỉ một mình, không được ai chia sẻ kinh nghiệm nên tôi gặp rất nhiều khó khăn" - chị Nguyệt kể.
Trăn trở nhiều nhưng chị Nguyệt vẫn không thay đổi ý định. Dù mất nhiều thời gian, chị vẫn quyết tâm đầu tư cho ý tưởng khởi nghiệp của mình. Càng khó khăn, trắc trở, chị lại càng tìm tòi, sáng tạo hơn. Chị tham gia những lớp tập huấn về trái mãng cầu xiêm rồi tham khảo ý kiến các chuyên gia về cách làm của mình. Nhờ vậy, thành công từ trà mãng cầu ngày càng đến gần với chị.
Chị Nguyệt cho biết những mẻ trà thành công đầu tiên có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ, đáng tự hào nhất của chị. Chị đem trà cho bạn bè, họ hàng dùng thử rồi xin ý kiến để rút kinh nghiệm hoàn thiện hơn, chứ chưa dám bán hay công bố thương hiệu.
Từ những ý kiến khen chê, chị Nguyệt ngày càng hoàn thiện hơn đứa con tinh thần của mình. Sau đó, chị phân phối trà cho các tiệm tạp hóa để thử hiệu ứng của người tiêu dùng thì nhận được tín hiệu khá tốt.
Khi mọi thứ đã ổn định, chị Nguyệt thành lập cơ sở để chính thức ra mắt thị trường tiêu dùng sản phẩm trà mãng cầu của mình. Chị còn giúp đỡ chị em trong vùng trước đây gặp khó khăn như mình tìm ra hướng đi mới và phần nào giải quyết vấn đề lao động ở địa phương. Chị gửi sản phẩm đến các cửa hàng kinh doanh nhỏ và vừa để đẩy mạnh nhận diện thương hiệu.
Năm 2021, nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, trà mãng cầu Ánh Nguyệt chính thức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, chị Nguyệt đã đưa sản phẩm lên sàn thương mai điện tử và app Nông sản Hậu Giang. Nhờ vậy, sản phẩm của chị đến được với nhiều người tiêu dùng hơn. Nhiều hội chợ thúc đẩy thương mại cũng có sự hiện diện của trà mãng cầu Ánh Nguyệt.
Tác giả bài viết: https://nld.com.vn/thoi-su/khoi-nghiep-voi-san-pham-ocop-20230312190928227.htm
Ý kiến bạn đọc