Chợ phiên - Nét đẹp văn hóa truyền thống

Thứ tư - 01/02/2023 20:35 268 0
Ở mỗi phiên chợ vùng cao, đồng bào dân tộc từ các bản làng nhộn nhịp xuống chợ, người từ dưới xuôi lên, các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Thái, Tày, Lô Lô, Dao… mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu tới chợ, tạo lên một khung cảnh vui tươi, nhiều màu sắc giữa núi rừng xanh thẳm.

Trong xã hội hiện đại, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thay thế cho chợ truyền thống, chợ phiên ở miền núi phía Bắc nước ta vẫn tồn tại như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Đến với chợ phiên, du khách được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy tính cộng đồng.

Hiện nay, nhiều phiên chợ vùng cao đang thu hút lượng lớn du khách tới tham quan và tìm hiểu. Nhiều địa phương đã tính đến bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian truyền thống, để những chợ phiên vùng cao là điểm đến hấp dẫn với du khách khi muốn trải nghiệm, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc trên địa bàn.

 Chợ phiên vùng cao độc đáo và đa dạng, nào là Tả Sìn Thàng, Tủa Chùa tấp nập của người Mông; chợ Sư Lư, Phì Nhừ huyện Điện Biên; chợ Nà Hỳ đông vui; chợ huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Xu Phì… tuần họp một lần vào ngày Chủ nhật; chợ Tùng Vải năm ngày một phiên; chợ tình Sa Pa…
 Chợ phiên vùng cao có chợ bản, chợ huyện, chợ tỉnh… bày bán đủ các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống.
 Chợ phiên Mường Khương, tỉnh Lào Cai, họp vào cuối tuần, hấp dẫn bởi bán đủ thứ, từ cái kim, sợi chỉ đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm; các mặt hàng công nghiệp, dân dụng....
 Chợ phiên Mường Khương cũng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách nước ngoài, bởi nơi đây phản ánh chân thực và sinh động đời sống, văn hóa của người dân địa phương. 
 Chợ ngựa và trâu, bò Cán Cấu, tỉnh Lào Cai.
 Chợ phiên khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày cố định. Có chợ mở vào thứ Bảy, Chủ nhật mỗi tuần, một vài chợ mở vào thứ Năm, thứ Sáu; có chợ mở theo ngày Dần và Thân, Tỵ và Hợi mỗi tháng…
 Chợ phiên San Thàng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu họp vào sáng thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, đã gắn bó với đời sống của đồng bào nơi đây. Tới chợ phiên ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa chợ San Thàng còn là nơi để giao lưu, gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.
 Gà cắp nách bán tại chợ phiên San Thàng.
Mỗi chợ phiên là một không gian sống chân thực, sinh động, mà bất cứ ai đến chợ phiên cũng có cảm nhận gần gũi, thân tình... như ở ngay dưới mái chợ phiên nơi làng, xã thân quen của mình.
 Hiện nay “chợ phiên” đã phản ánh một tầm nhận thức mới trong cộng đồng, được nâng tầm văn hóa cao hơn. Ở nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã chú trọng đầu tư, phát triển “phiên chợ vùng cao” trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách.
 Mèn mén - đặc sản của đồng bào dân tộc H’Mông giới thiệu tại Phiên chợ vùng cao, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô – Sơn Tây – Hà Nội).
 Không ít những chợ phiên vùng cao lưu giữ, lan tỏa đậm nét những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
 Bên cạnh không gian mua bán, du khách còn có dịp thưởng thức những điệu dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc dân tộc như biểu diễn khèn Mông, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc anh em ở các vùng, miền đất nước.

Tác giả bài viết: https://dangcongsan.vn/anh/cho-phien-net-dep-van-hoa-truyen-thong-630583.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây